Bảo hộ nhãn hiệu nông sản: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm giống như tấm giấy khai sinh để hoàn thiện thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như tránh vấn đề hàng giả hàng nhái. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nông dân vẫn chủ quan và chưa quan tâm tìm hiểu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm nông sản.

Nhiều sản phẩm có nguy cơ mất nhãn hiệu

Việt Nam có lợi thế và tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp, thuận lợi để sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới chất lượng cao, đa dạng, đặc trưng theo từng vùng, miền. Tuy nhiên, việc đưa nông sản Việt Nam ra trường quốc tế đang đối diện nhiều thách thức. Đặc biệt là nguy cơ mất nhãn hiệu, thương hiệu do chưa được đăng ký bảo hộ trước đó. Trên thực tế, số lượng sản phẩm nông sản của Việt Nam đã xây dựng được thương hiệu và được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cả trong nước và thị trường quốc tế còn hạn chế.  

Vải thiều Lục Ngạn đã được cấp nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.
Vải thiều Lục Ngạn đã được cấp nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Tham gia thị trường nhiều năm nay, nhưng Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Trà Cảnh Hạ (Thái Nguyên) Trần Đức Cảnh vẫn mơ hồ về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Ông Cảnh bộc bạch: “Tôi cho rằng, sản phẩm khi ra thị trường chỉ cần đảm bảo chất lượng, được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm là có thể cạnh tranh được. Vì vậy doanh nghiệp chưa quan tâm chú trọng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm”.

Câu chuyện của Trà Cảnh Hạ cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) ở Việt Nam hiện nay. Trên thực tế đã có nhiều bài học nhãn tiền của các doanh nghiệp đi trước. Chia sẻ về bài học xương máu của doanh nghiệp, Giám đốc chuỗi cà phê Meet More Nguyễn Ngọc Luận cho biết: “Mỗi tháng công ty xuất khẩu hơn 40 tấn sản phẩm cà phê trái cây sang Hàn Quốc. Thế nhưng, vì chủ quan nên đã bị chính đối tác nhập khẩu của mình nhanh tay đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Tôi hết sức bất ngờ vì đây là một thương hiệu mới của mình, lại bị họ đi trước một bước”.

Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) Lê Thị Thu thông tin, tính đến ngày 1/8/2022, cả nước có 141 đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó đã cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho 116 sản phẩm. Cả nước cũng đã có 1.682 chứng nhận tập thể được cấp.

Một số sản phẩm có chứng nhận chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đang xuất khẩu nhiều vào các thị trường cao cấp trên thế giới như: Nước mắm Phú Quốc, Chè hữu cơ shan tuyết Phìn Hồ, Chè Thái Nguyên, Hồ tiêu Gia Lai, Cà phê Buôn Mê Thuột, Vải thiều Lục Ngạn.

Cần sự chủ động

Việc bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm vô cùng quan trọng, tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp đang đối diện với nhiều khó khăn. Cụ thể, vẫn chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

Tại các địa phương, việc thiếu khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đã dẫn đến lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Do đó, lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp, chưa gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng.

Trong khi đó, nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đã không chủ động về nguồn lực để thực hiện việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, kỹ năng về xúc tiến thương mại rất kém. Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là HTX, được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án, nên những HTX này không tổ chức hoạt động gì khi kết thúc dự án, hoặc hoạt động rất cầm chừng. Dẫn đến nhãn hiệu tập thể bị “chết yểu”.

Tập đoàn Lộc Trời sản xuất và đóng gói gạo xuất khẩu.
Tập đoàn Lộc Trời sản xuất và đóng gói gạo xuất khẩu.

Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam Phan Trần Hồng Vân cho biết, hiện chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể; sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương… Thực tế hiện nay một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chưa phát huy được vai trò là chủ sở hữu do không có chức năng kinh doanh, chủ yếu là cơ quan nhà nước (Sở KH&CN, Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện), chưa có sự tách biệt giữa quản lý nhà nước và mối quan hệ dân sự theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Bà Phan Trần Hồng Vân kiến nghị cơ quan chức năng Nhà nước cần hoàn thiện những quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Cùng với đó, cần nâng cao vai trò của quản lý Nhà nước về kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường.

Còn theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Trần Quốc Toản, đơn vị sản xuất nông nghiệp, HTX, nên xây dựng và phát triển thương hiệu phải dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ. Đó là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn của sản phẩm. Cần thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm cuối cùng ra đến thị trường.

Khi bán sản phẩm cần gắn nhãn mác hay thương hiệu sản phẩm địa phương, vùng miền và quốc gia (không bán hàng thô, hàng nguyên liệu); đồng thời tăng cường đa dạng hóa sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, và cũng giúp giải quyết các sản phẩm tồn đọng tránh “được mùa thì rớt giá”.