“Bảo hộ” tự do ngôn luận trong báo chí ra sao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Nhiều ĐB...

Kinhtedothi - Chiều 14/11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Dự án Luật Báo chí (sửa đổi). Nhiều ĐB đồng tình với quy định về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của Nhân dân, những đề nghị vẫn phải có sự “kiểm duyệt” tránh kẽ hở cho những đối tượng lợi dụng vi phạm.

Nên thiết kế một điều về “đạo đức nghề nghiệp”

Đồng tình với những hành vi cấm trong Dự án Luật Báo chí (sửa đổi), ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm một số điểm là biện pháp cấm các bài báo miêu tả hành vi chém giết bạo lực, miêu tả lối sống dâm ô, trái thuần phong mỹ tục… mà vừa qua dư luận Nhân dân bức xúc.

Về thông tin cổ xúy các hủ tục mê tín dị đoan, phải quy định rõ là cấm thông tin các hủ tục mê tín dị đoan chứ không chỉ cấm “cổ xúy”. Tương tự, thông tin về các vụ tranh chấp khiếu nại tố cáo cũng phải đưa một cách cẩn trọng để tránh cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, nên quy định chặt theo hướng phải thẩm định chặt trước khi đăng.
Quang cảnh kỳ họp
Quang cảnh kỳ họp
ĐB Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) thì cho rằng, thời gian vừa qua có sự bùng nổ thông tin, bùng nổ các cơ quan báo chí, trong đó có không ít tờ báo hoạt động kém hiệu quả, đưa thông tin không đúng tôn chỉ mục đích. Có những cơ quan báo chí phải tự chủ hoàn toàn, một số báo vẫn được cung cấp tài chính, ngân sách để hoạt động. Cần phải sắp xếp lại đầu mối để quản lý chặt với các cơ quan báo chí hưởng ngân sách để hoạt động. Còn với những cơ quan báo chí tự chủ thì phân loại rõ ra để quản lý dễ dàng hơn.

Các ĐB cũng cho rằng, công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định pháp luật và được nhà nước bảo hộ cùng một số nội dung liên quan. Đây là những quy định mới phù hợp với Hiến pháp 2013 song qua thực tiễn cho thấy, nếu quy định vậy thì rất khó cho công dân có thể thực hiện được quyền biểu đạt thông tin, tham gia thông tin trên báo chí.

ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi đ
t vấn đề, Nhà nước sẽ bảo hộ như thế nào cho quyền công dân tham gia hoạt động báo chí chưa rõ? Rồi quy định công dân được quyền giám sát, biểu đạt thông tin… trên báo chí nhưng nếu người đứng đầu cơ quan báo chí không duyệt đăng thì họ cũng không thể thực hiện được quyền của mình. Do vậy cần quy định chặt chẽ hơn điều này theo hướng trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong thực hiện quyền công dân.

Đồng thời cũng phải quy định chặt trách nhiệm, chế tài đối với những công dân lợi dụng quyền biểu đạt thông tin trên báo chí để tung tin không đúng sự thật. Ngay quyền comment của công dân trên báo chí cũng phải được kiểm duyệt chặt bởi thực tế nhiều trang báo mạng, công dân có những comment rất phản cảm, dung tục nhưng không có chế tài xử lý gì.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) cho rằng Luật báo chí đã bổ sung những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, cụ thể là quyền báo chí và quyền tự do ngôn luận trong báo chí. Việc xây dựng quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trong báo chí là tương đối đầy đủ, bao quát hết các quyền của công dân trong việc tham gia vào lĩnh vực báo chí để có thể truyền tải và phản ánh tới bạn đọc cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nhiều ĐB đề nghị, cần cân nhắc và thiết kế hẳn 1 điều riêng về đạo đức nghề nghiệp của nhà báo vì đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là vô cùng quan trọng. Đồng thời, cần quy định bao quát hơn về các loại hình báo chí đang có còn quy định hạn hẹp như dự luật thì có những loại hình báo chí hiện nay như phụ san, chuyên đề sẽ không biết xếp vào nhóm báo chí nào.

Chưa “tính” đến thời đại công nghệ số

ĐB Đỗ Kim Tuyến (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong Dự Luật tiêu chuẩn của một phóng viên vẫn rất định tính, hay thiếu các quy định liên quan đến vấn đề quản lý chẳng hạn nhà báo vi phạm đến mức độ nào thì bị thu thẻ, thu thì có được cấp lại không, bao lâu thì được cấp lại… nên nếu đưa vào thực tế sẽ khó áp dụng.

Tương tự, Dự Luật cũng không quy định rõ các trường hợp phóng viên nào không được cấp thẻ nhà báo, chưa được cấp thẻ… Về quản lý nhà nước, Dự Luật quy định độ tuổi của Tổng biên tập là không phù hợp vì như thế luật về nghề nghiệp nào cũng sẽ đưa quy định của người lãnh đạo vào luật, trong khi chúng ta đã có Bộ luật Lao động. Dự Luật cũng chưa có điều chỉnh với đội ngũ cộng tác viên các cơ quan báo chí, cần xem xét đánh giá thêm.
“Bảo hộ” tự do ngôn luận trong báo chí ra sao - Ảnh 1
ĐB Nguyễn Phi Thường
 
ĐB Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) thì đánh giá, đối tượng điều chỉnh trong Dự Luật vẫn chưa bao gồm hết được các loại hình truyền thông xã hội trong thời đại công nghệ mạng thông tin bùng nổ như hiện nay. Chỉ với một chiếc Smatphone, ta có thể vừa là nhà báo, vừa là tổng biên tập.

ĐB lưu ý, vừa rồi Bộ TT-TT đang làm quy hoạch báo chí, đây chính là câu chuyện sắp xếp lại hệ thống báo chí truyền thông theo hướng thu gọn đầu mối. Về mặt thị trường, chúng ta áp đối tượng, bắt báo chí tự chủ, trong khi đó những cơ quan truyền thông đa phương tiện, những mảng liên quan đến tài chính, quảng cáo, có nguồn thu rất lớn, song nhiều tờ báo khác về cơ bản là đơn vị sự nghiệp có thu, nguồn thu rất ít, vì thế vẫn có sự mâu thuẫn giữa 2 yếu tố là tự chủ và công cụ định hướng tư tưởng (sự nghiệp có thu).

Vấn đề ở đây là doanh thu, trong Dự Luật này chưa thấy rõ được những chính sách ưu tiên, ưu đãi gì cho báo chí truyền thông phát triển, chưa tạo được sự cạnh tranh lành mạnh. Chẳng hạn doanh thu từ quảng cáo của facebook mạng xã hội có khi lớn hơn rất nhiều báo mạng song báo mạng chịu thuế 20% còn mạng xã hội thì không…. cứ thế này báo chí chính thống của chúng ta càng thua.
Tại phiên thảo luận ở tổ, với cương vị là Bộ trưởng Bộ TT-TT, ĐB Nguyễn Bắc Son cho biết, Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) là luật khó, thể hiện quan điểm của nhà nước ta về tự do báo chí chứ không phải khi có Hiến pháp 2013 chúng ta mới xây dựng.

Hiện thế giới có 21 nước có luật báo chí, nhiều nước lớn cũng chưa có. Cơ sở pháp lý để sửa luật báo chí là rõ ràng sau 16 năm luật sửa đổi áp dụng. Trước chỉ có báo in, sau đó báo nói, báo hình, giờ báo điện tử phát triển rất mạnh, nhiều tờ báo điện tử lớn đang bắt đầu thay thế báo in truyền thông.

Ngay trên báo điện tử cũng đang phát triển rất mạnh, có sự tích hợp với báo hình, báo tiếng thông qua các clip. Dự Luật  lần này đã trải qua quá trình xây dựng, xin ý kiến rất nhiều lần, rất thận trọng. Quản lý báo chí là vấn đề lớn. Báo chí không cần nhiều nhưng phải cần tinh, quản lý báo chí để báo chí phát triển mạnh hơn, chất lượng hơn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, lần này Dự Luật có phần mở ra một chút, chẳng hạn trước đây hoạt động liên kết trong báo chí để thu hút nguồn lực chưa đưa vào luật, nay đã đưa vào, muốn liên kết làm chương trình báo chí, truyền hình thì phải xin phép và chịu hậu kiểm.

Quy định mở này để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí thu hút thêm được nguồn lực xã hội để phát triển. Việc xây dựng Luật báo chí lần này lại song song với Đề án quy hoạch báo chí. Hiện chúng ta có trên 848 cơ quan báo chí in, có quá nhiều cơ quan báo chí do các cơ quan nhà nước thành lập, dùng tiền ngân sách để hoạt động, nhà nước bỏ tiền ra in báo sau đó lại phát báo cho cơ quan nhà nước, thậm chí có ý kiến nhiều tờ báo phát không cũng không ai đọc.

Do vậy quy hoạch báo chí và Dự Luật này phải phù hợp với nhau, trên tinh thần tổ chức lại cơ quan báo chí tinh gọn, giảm thiểu cấp ngân sách nhà nước cho các cơ quan báo chí nhưng vẫn phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích.

Theo Bộ trưởng, hiện nay các tỉnh thành và Bộ TT-TT đang quán triệt những nội dung chính về đề án quy hoạch báo chí, sẽ thí điểm thực hiện từ nay đến 2025. Giữa đề án quy hoạch báo chí và Luật Báo chí (sửa đổi) không có mâu thuẫn với nhau.