Thị trường phân hóa mạnh mẽ
Áp lực bán dâng cao khiến thị trường chứng khoán lại có thêm một phiên chìm trong sắc đỏ. Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán 25/7, VN-Index giảm 6,26 điểm (0,52%) còn 1.188,5, HNX-Index giảm 3,45 điểm về 285,38, UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (0,55%) về 88,35.
Thanh khoản vẫn ở mức khá thấp khi tổng giá trị giao dịch chỉ dừng lại mốc gần 12 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 535 triệu cổ phiếu. Trong phiên này, lực kéo chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu họ Vin khi 3 mã VIC, VHM và VRE hợp lực mang lại cho thị trường hơn 1,1 điểm.
Ngược lại, đại diện đẩy thị trường rơi vào thế rút lui là anh cả ngành khí GAS giảm 2,88%. Do đó, GAS ảnh hưởng tiêu cực ngược trở lại nhóm năng lượng, cụ thể là dầu khí với PXS, PVS, PVD, BSR, PVC… đồng loạt giảm điểm dao động từ 4% - 6%.
Tại các nhóm như chứng khoán, ngân hàng, xây dựng… sắc đỏ vẫn thắng thế gây áp lực chung cho thị trường. Trong đó, dòng chứng khoán cũng đối diện với sự phân hóa mạnh mẽ với áp lực chính đến từ DSC, HBS, SBS, BVS, TVB, PSI, SSI… Tuy nhiên, những mã như WSS, HCM, MBS, VCI, FTS... kết phiên trong sắc xanh cũng giảm bớt phần nào tâm lý bao trùm quanh nhóm này.
Nhóm thép cũng không kém phần ảm đảm khi nhiều mã đồng loạt giảm như: HPG (-1,58%); VGS (-4,65%); TIS (-3,33%); NKG (-1,3%)… Một phần do kết quả kinh doanh quý 2 không khả quan nên tâm lý nhà đầu tư đã được phản ánh vào thị giá.
Ngoài ra, nhóm bất động sản - xây dựng ghi nhận nhiều giao dịch trái chiều. Hàng loạt mã giảm điểm mạnh đẩy thị trường rơi vào thế chống đỡ KBC, DIG, NVL, LDG, NTL, DPG… Trong khi, nhiều mã vẫn nỗ lực lội ngược dòng, đồng thuận đi lên HDG; FIR; VHM…
Theo nhiều chuyên gia, mốc kháng cự mạnh gần nhất của thị trường là 1.200. VN-Index giao dịch vẫn cho thấy sự chần chừ chưa thể vượt qua ngưỡng tâm lý này. Chính vì vậy, nhà đầu tư cần cẩn trọng chờ giải ngân khi thị trường điều chỉnh lại, ngưỡng hỗ trợ gần nhất là 1.180 và có thể VN-Index sẽ lùi xuống để lấy đà.
Diễn biến trái chiều giữa thị giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng tầm trung
Đáng chú ý trên thị trường chứng khoán thời gian gần đây là nhóm ngân hàng với sự phân hóa rõ nét. Đơn cử, tại phiên giao dịch ngày 25/7, sắc xanh le lói xuất hiện tại VCB (+0,55%); LPB (+1,39%). Trong khi đó, hầu hết mã cổ phiếu đều giảm điểm, giảm mạnh nhất phải kể tới VPB (-1,78%); VIB (-1,72%); TCB (-0,81%)…
Có thể thấy, ngoài những “ông lớn” ngân hàng thuộc nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn thì nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng tầm trung như LPB, ABB, MSB, SAB là các cổ phiếu lao dốc mạnh từ đầu năm đến nay.
Đơn cử như LPB của Ngân hàng TMCP Liên Việt (LPB), ở thời điểm hiện tại thị giá cổ phiếu LPB đã giảm 27,6% giá trị so với cuối năm 2021. Hay như MSN của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này giảm 37,41% giá trị. Sở dĩ mức giảm được “co” lại là do đà hồi phục của mã này trong thời gian gần đây khi tính chung qua 1 tháng đã tăng tới 9,67% giá trị.
Một cổ phiếu ngân hàng khác thuộc nhóm tầm trung cũng chịu chung “số phận” giảm điểm mạnh như những mã trên là ABB của Ngân hàng An Bình. Tính từ thời điểm ngày 1/1/2022, ABB đã mất 33,88% giá trị dù cũng đã hồi phục đáng kể trong thời gian gần đây. Tương tự, cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - Seabank cũng ghi nhận mức giảm hơn 11% tính từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, trái ngược với đà giảm của cổ phiếu, tình hình kinh doanh của những doanh nghiệp trên lại khá khởi sắc, với số lãi 6 tháng đầu năm thuộc hàng “khủng”. Theo báo cáo tài chính quý 2/2022 vừa công bố, LienVietPostBank có lợi nhuận 6 tháng đạt 3.588 tỷ đồng, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ việc hoạt động kinh doanh cốt lõi, và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lên hơn 346 tỷ đồng.
Ngoài ra, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 33%, đạt 520 tỷ đồng nhờ những dịch vụ như bảo hiểm, thẻ, ngân hàng số. Các hoạt động kinh doanh khác cũng mang về cho LienVietPostBank hơn 206 tỷ đồng lãi thuần, tăng 430% so với cùng cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, LienVietPostBank trích lập gần 950 tỷ đồng dự phòng rủi ro, tăng 54% so với cùng kỳ. Riêng trong quý 2, chi phí dự phòng tăng 57% so với cùng kỳ, đạt 637 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 3.336 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và thực hiện 49% kế hoạch năm (6.800 tỷ đồng). Trong đó, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của ngân hàng - đạt 4.024 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng mạnh 181% so với cùng kỳ 2021 lên 561 tỷ đồng. Hoạt động chứng khoán đầu tư mang về khoản lãi gần 662 tỷ đồng thay vì lỗ 8 tỷ như cùng kỳ. Mặt khác, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm đến 74% xuống còn 580 tỷ đồng, hoạt động chứng khoán kinh doanh tiếp tục ghi nhận lỗ 1,4 tỷ đồng.
Tương tự, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - ABB) có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 1.662 tỷ đồng, tăng 39,5% so với cùng kỳ và thực hiện được 53% kế hoạch năm (3.079 tỷ đồng). Trong đó, thu nhập lãi thuần của ABBank tăng 26,2% so với cùng kỳ, mang về gần 1.803 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 8,2% so với cùng kỳ 2021. Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh ngoại hối và các hoạt động khác tăng trưởng mạnh trong kỳ, với mức tăng lần lượt là 56,2% và 92,1% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 65 và 21,1 tỷ đồng. ABBank cũng giảm 32% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích lập 218 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Một ngân hàng nhỏ khác cũng ghi nhận mức lãi lớn trong 6 tháng là Ngân hàng TMCP Bảo Việt. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 17,6 tỷ đồng, tăng trưởng 76%. Lũy kế 6 tháng lợi nhuận trước thuế đạt 26,5 tỷ đồng, tăng 56,8% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của ngân hàng này ở mức 62,7 nghìn tỷ đồng; cho vay khách hàng đạt 28,3 nghìn tỷ đồng; tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác ở mức 10 nghìn tỷ đồng, tiền gửi khách hàng ở mức 37,2 nghìn tỷ đồng. Hiện Ngân hàng TMCP Bảo Việt đang thực hiện giao dịch cổ phiếu trên sàn OTC với tên BAOVIETBANK.