Bạo loạn ở Điện Capitol, hồi kết cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có như ông Trump mong muốn?

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc xảy ra ngày 6/1 ở trụ sở Quốc hội Mỹ làm sống lại những hình ảnh về lần cuối cùng trụ sở Quốc hội Mỹ bị tấn công và tàn phá như vậy.

Diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống năm nay ở nước Mỹ độc đáo và đặc biệt chưa từng thấy trong lịch sử đất nước này. Điều ấy đã có thể thấy được từ trước ngày bầu cử (3/11/2020) khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump (Đảng Cộng hòa) công khai cho rằng nếu mình thắng cử thì cuộc bầu cử hợp pháp còn nếu mình bị thất cử thì có gian lận bầu cử. Điều ấy được củng cố sau ngày bầu cử khi ông Trump phát động cuộc chiến pháp lý ở mọi cấp tòa án nhằm lật ngược thắng cử của cựu Phó Tổng thống Joe Biden (Đảng Dân chủ).
Ông Trump hối thúc người của Đảng Cộng hòa ở một số bang dùng quyền hạn và thủ pháp hủy hoại thắng cử của ông Biden, kích động người ủng hộ trong Đảng Cộng hòa và trong khắp cả nước không chỉ lên tiếng mà còn hành động cụ thể bằng mọi cách không để cho lưỡng viện lập pháp Mỹ xác nhận thắng cử của ông Biden trong ngày 6/1 vừa qua.
Hồi kết của cuộc gắng gượng vô vọng của ông Trump và những người ủng hộ để được tại vị thêm một nhiệm kỳ Tổng thống đạt tới đỉnh điểm của kịch tính và tai tiếng khi hàng ngàn người ủng hộ ông Trump tràn vào trụ sở Quốc hội Mỹ đập phá, chiếm văn phòng và gây hỗn loạn. Đã có 4 người bị thiệt mạng và cảnh sát đã bắt giữ hơn 50 người. Đã có những tiếng nói từ phía chính giới Mỹ nhìn nhận sự việc này là nổi loạn hay đảo chính chứ không phải phản đối. Chính giới ở nhiều nước trên thế giới đánh giá nền dân chủ ở Mỹ hiện đã đến tận đáy của vực thẳm.
Người người biểu tình đối đầu với cảnh sát, hò hét, vẫy cờ Trump và Mỹ khi họ xông vào các hội trường của Điện Capitol
Vụ việc xảy ra ngày 6/1 vừa qua ở trụ sở Quốc hội Mỹ làm sống lại những hình ảnh về lần cuối cùng trụ sở Quốc hội Mỹ bị tấn công và tàn phá như vậy. Đấy là ngày 24/8/1814, khi quân đội Anh tấn công và đốt rụi thủ đô Washington của nước Mỹ. Sau hơn 200 năm, nơi được coi là "Trái tim của nền dân chủ lâu đời thứ 2 của thế giới" (sau Anh) mới lại bị phá phách như thế. Chỉ như thế thôi đã đủ để thấy nước Mỹ hiện đang hỗn loạn về chính trị và xã hội nội bộ như thế nào và phe cánh ủng hộ ông Trump vẫn còn sẵn sàng hành động bạo lực như thế nào để giúp ông Trump được công nhận thắng cử.
Nhưng cuộc bầu cử Tổng thống năm nay ở nước Mỹ đã đi đến hồi kết và cái kết ấy hoàn toàn không như ông Trump mong muốn. Quá trình xác nhận chính thức bị kéo dài vì có dân biểu thuộc phe Đảng Cộng hòa dùng luật để phản đối thắng cử của ông Biden, nhưng rồi thắng cử ấy vẫn không thể bị đảo ngược. Những chỗ dựa cuối cùng quyết định nhất đối với ông Trump là Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence và thủ lĩnh phe Đảng Cộng hòa trong thượng viện Mitch McConell đều đã tuyên bố không tiếp tục vì ông Trump mà thêm sai lầm hoặc hành động vi hiến.
Ông Biden và bà Kamara Harris đã vượt qua cửa ải thủ tục pháp lý cuối cùng để một người trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ và một người trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên, lại còn là người da màu và gốc xuất thân nước ngoài đầu tiên trên cương vị ấy của nước Mỹ.
Bạo loạn ở thủ đô Washington và sự nhì nhằng trong Quốc hội Mỹ về xác nhận thắng cử của cặp đôi quyền lực mới Biden/Harris làm nhạt nhòa diễn biến khác ở bang Georgia nhưng lại có tác động rất quyết định tới thuận lợi hay khó khăn, thành công hay thất bại đối với chính quyền mới ở Mỹ trong thời gian tới, ít nhất thì cũng tới cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở đất nước này vào tháng 11/2022.
Tại đó, phe Đảng Dân chủ được các hãng truyền thông Mỹ xác nhận là đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ cho Thượng viện ở Washington, giúp đảng này có 50 trong tổng số 100 thành viên của thượng viện. Kết quả này giúp cho Đảng Dân chủ được coi là kiểm soát cả Hạ viện lẫn thượng viện khi đã có đa số ở Hạ viện và có Phó Tổng thống Harris phân định khi kết quả biểu quyết ở thượng viện là 50:50. Lần đầu tiên kể từ hơn thập kỷ nay, phe Đảng Dân chủ làm chủ cả Nhà Trắng lẫn Quốc hội.
Ông Trump và phe Đảng Cộng hòa thất bại không chỉ hoàn toàn mà còn rất cay đắng. Từ sau ngày 20/1 tới, ông Biden có thể thuận lợi và dễ dàng cầm quyền. Nhưng ngay từ bây giờ, phe Đảng Cộng hòa đã như đứng trước ngã ba đường bởi phải quyết định tiếp tục đi theo và lụy ông Trump hay phải buông bỏ ông Trump để gây dựng lại từ đầu cơ may chinh phục lại quyền lực vào năm 2022 và 2024.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần