Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bạo lực sân cỏ tại V-League và nỗi lo cho bóng đá Việt

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau vấn nạn về pháo sáng, sự yếu kém chuyên môn của trọng tài, V-League 2022 đang đối diện với vấn đề bạo lực trên sân cỏ. Những hành động tiểu xảo, pha bóng xấu xí từ các cầu thủ... xuất hiện ngày càng nhiều.

Bạo lực đáng lo ngại

V-League 2022 đi được một nửa chặng đường, các trận đấu có chuyên môn cao qua từng vòng, tạo nên hiệu ứng tốt và hình ảnh đẹp cho giải bóng đá cao nhất tại Việt Nam. Các CLB ngày càng chú trọng xây dựng hình ảnh và đầu tư chất lượng cầu thủ chất lượng, HLV đủ trình độ, để thể hiện tính chuyên nghiệp. Nhưng bên mặt những mặt tích cực, thì vấn đề bạo lực từ chính cầu thủ đang nổi cộm.

Tại vòng 15, Hà Nội FC tiếp đón Bình Định trên sân Hàng Đẫy, trọng tài Trần Đình Thịnh rút 2 thẻ đỏ cho Duy Mạnh và Jermie Lynch. Trong đó, Duy Mạnh nhận thẻ đỏ trực tiếp sau pha đánh nguội và Jermie Lynch nhận thẻ vàng thứ 2, đồng nghĩa với tấm thẻ đỏ. Sự xấu xí thể hiện rõ trong pha va chạm của cầu thủ 2 bên, nếu như Jermie Lynch cho thấy sự tinh quái khi dùng tiểu xảo với đối phương thì Duy Mạnh có phần đáng chê trách. Hơn thế cầu thủ của Hà Nội FC là một ngôi sao nên càng phải chú trọng cách hàng xử trên sân cỏ.

Duy Mạnh nhận thẻ đỏ trực tiếp sau khi đánh cùi trỏ Jermie Lynch tại vòng 15 V-League 2022. Ảnh: Như Đạt.
Duy Mạnh nhận thẻ đỏ trực tiếp sau khi đánh cùi trỏ Jermie Lynch tại vòng 15 V-League 2022. Ảnh: Như Đạt.

Tấm thẻ đỏ trong trận đấu với Bình Định không phải là lần đầu tiên Duy Mạnh phải nhận án phạt từ các trọng tài. Hình ảnh Duy Mạnh nhận thẻ đỏ trong thời gian vừa qua được xuất hiện nhiều hơn. Nếu như tấm thẻ đỏ tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 gặp Saudi Arabia nhận được sự đồng cảm từ người hâm mộ khi Duy Mạnh chơi lăn xả và để bóng chạm tay; thì tấm thẻ đỏ thẻ đỏ tại V-League 2022 là sự thiếu tỉnh táo, tính kỷ luật cá nhân. Theo thống kê, trong 774 phút thi đấu ở mùa giải 2022, Duy Mạnh đã có ít nhất 3 lần phạm lỗi nguy hiểm khi đánh nguội Jermie Lynch, phạm lỗi khiến tiền đạo Osagouna Christian của SHB Đà Nẵng phải rời sân bằng cáng và đạp thẳng gầm giày vào chân Bruno Henrique của HAGL.

Và không chỉ Duy Mạnh, cầu thủ khác của Hà Nội FC là Đoàn Văn Hậu cũng trở thành tâm điểm chỉ trích vì những pha bóng xấu xí với Văn Thanh – cầu thủ từng là đồng đội ở ĐT Việt Nam.

Hay ở vòng 11, Dương Văn Khoa của CLB  TP Hồ Chí Minh đã đánh nguội với Phạm Mạnh Hùng bên phía Nam Định do bị đối thủ khiêu khích. Cũng ở vòng đấu này, tiền vệ Nguyễn Văn Việt của SLNA đã có pha vào bóng bằng cả 2 chân nguy hiểm với Lê Văn Thắng của Thanh Hoá. Đặc biệt, ở vòng 10 những pha bóng có tính triệt hạ đối thủ diễn ra khi SLNA tiếp đón Hà Nội FC khi Trần Đình Hoàng phi thẳng 2 chân trong tình huống tranh chấp với Mujan, Michael Olaha chơi tiểu xảo với Đậu Văn Toàn và bị trọng tài Nguyễn Mạnh Hải truất quyền thi đấu.

Cần có án phạt mạnh để chống hậu họa

Ở mùa giải 2021, Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã có những phàn nàn về vấn đề bạo lực sân cỏ và phản ứng với trọng tài của các cầu thủ V-League khi phải xử lý 27 quyết định kỷ luật. Trong đó, có hai vấn đề: Cầu thủ thi đấu thô bạo, quyết liệt trên mức cần thiết; đặc biệt là lỗi phản ứng của quan chức, huấn luyện viên và các cầu thủ của các câu lạc bộ với trọng tài, dù các hành vi không thể thay đổi quyết định thậm chí có hành vi thiếu văn hóa.

Cần có án phạt mạnh hơn nữa cho các hành vi chơi xấu tại V-League 2022. Ảnh: Như Đạt.
Cần có án phạt mạnh hơn nữa cho các hành vi chơi xấu tại V-League 2022. Ảnh: Như Đạt.

Chơi quyết liệt và chơi rắn để vừa dằn mặt cũng như khiến cho đối thủ rụt rè là tư tưởng không phải hiện tại mới xuất hiện. Nạn bạo lực, với những pha bóng triệt hạ nhau đã xuất hiện ở khắp các sân qua các mùa giải. Sẽ chẳng người hâm mộ nào quên hình ảnh chấn thương kinh hoàng của Trần Anh Khoa bị Quế Ngọc Hải đạp thẳng 2 chân và phải giã từ sự nghiệp sớm. Hay việc Đỗ Hùng Dũng bị Ngô Hoàng Thịnh vào bóng gãy chân và nghỉ thi đấu hơn 1 năm.

Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú cho biết, cầu thủ Việt Nam có thói quen xấu khi luôn vung tay không cần thiết ở các pha bóng phòng ngự. Bên cạnh đó, các trọng tài ở V-League bắt không chặt, cầu thủ không được chỉnh sửa, rồi mang thói quen này ra sân chơi quốc tế. “Bóng đá Việt Nam phải rút kinh nghiệm nhiều. Khi bắt ở giải vô địch quốc gia, các trọng tài cần quyết định chính xác, tạo ra thói quen cho cầu thủ" – chuyên gia Phan Anh Tú cho biết.

Nhiều chuyên gia bóng đá cũng nhận định, các thói quen xấu trong đó có việc chơi quyết liệt và chơi rắn là nguyên nhân chính khiến thực trạng bạo lực ở V-League. Ngoài ra, án phạt chưa đủ sức răn đe, đỉnh điểm của những tấm thẻ là án treo giò, điều này chưa giải quyết được nguồn gốc của vấn đề. Bản thân các CLB và HLV đều phải nhận thức rõ về hành vi chơi xấu, khắc phục từ xuất phát điểm là công tác đào tạo trẻ.

Để tạo ra giải đấu chuyên nghiệp cũng như nền bóng đá phát triển, V-League cần xây dựng trên mọi khía cạnh, từ cầu thủ đến CLB, trọng tài cũng như người hâm mộ. Trên thế giới, các nước có nền bóng đá phát triển luôn chú trọng đến văn hóa ứng xử của cầu thủ. Mỗi cầu thủ cần có ý thức xây dựng hình ảnh cá nhân, CLB và nền bóng đá nước nhà. Đơn giản, bóng đá hiện đại xây dựng thương hiệu bằng lối đá đẹp, bằng kỹ thuật cá nhân, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của cầu thủ.

Đã đến lúc, cần lên án mạnh mẽ hơn và án phạt đủ sức răn đe đối với các cầu thủ cũng như các CLB để tránh những hậu họa, điển hình như bất lợi của ĐT Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022, đó là hậu quả từ tư duy chơi bóng ở V-League.