Niềm tin tâm linh bị đẩy lên quá mức

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội Xuân 2016 đã trải qua gần một tháng, bên cạnh những giá trị cần lưu giữ, những hệ lụy cũng đã nảy sinh.

Không sa đà lý giải những nguyên nhân muôn thuở, PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản Việt Nam thẳng thắn "hiến kế" dẹp lễ hội bị coi là bạo lực, để giữ lại nét đẹp văn minh.

Thổi phồng văn hóa tâm linh để hút khách

Hai năm trở lại đây, các phương tiện truyền thông nhắc nhiều đến vấn đề bạo lực tại lễ hội. Theo ông, lễ hội ở nước ta có bi quan đến mức nghiêm trọng như vậy?Niềm tin tâm linh bị đẩy lên quá mức - Ảnh 1

- Lễ hội bạo lực hay bị coi là bạo lực chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng ta đừng vì bạo lực tại một số lễ hội mà đổ lỗi cho tất cả. Tôi đi một số hội làng ở các địa phương thấy bình yên và văn minh lắm! Mình có đi mới thông cảm được với Nhân dân, đặc biệt người nông dân cần văn hóa thế nào. Tôi vừa đi dự hội bơi chải ở làng Lưu Xá (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), cách trung tâm Thủ đô chưa đầy 40km, nhưng người dân nơi đây cần và khát khao hội làng. Văn hóa lễ hội như hơi thở cuộc sống của họ, niềm tin tâm linh giúp họ nạp năng lượng làm việc cho cả năm. Chính vì vậy, đừng đổ ụp lễ hội vì một vài vấn đề bạo lực.

Không ai phủ nhận lễ hội là nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Thế nhưng, qua mỗi kỳ lễ hội, quá nhiều mặt trái đang tồn tại. Không chỉ bạo lực, mà còn xảy ra hiện tượng cuồng tín, người dân mải lễ hội nên chểnh mảng công việc. Theo ông đâu là giải pháp cân bằng cho nét đẹp của văn hóa và sự chuyển đổi của xã hội văn minh?

- Mặt trái của lễ hội không nằm trong bản chất của các hội làng mà phát sinh ở thời kỳ mới. Mỗi thời kỳ lễ hội có những vấn đề riêng của nó. Hiện nay một bộ phận những người làm văn hóa có tư tưởng trục lợi từ lễ hội, nên thổi phồng văn hóa tâm linh để hút khách. Nhiều quan chức lãnh đạo đã đẩy niềm tin tâm linh đến quá mức, hệ lụy kéo theo là Phật giáo hóa, Mẫu giáo hóa cả nước. Đó là chưa kể, nhiều hội hè mới được tổ chức như ở Hoàng thành Thăng Long, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam không tổ chức ngày nghỉ lễ mà chọn ngày đi làm, phải chăng những hoạt động lễ hội mới này đã thêm thúc đẩy “tháng Giêng là tháng ăn chơi” không hòa với nhịp sống hiện đại? Lời giải cho những bài toán trên không phải là chuyển đổi mục đích giá trị văn hóa của cha ông để lại, mà chính là việc thay đổi cách nghĩ, cách làm của người thời nay.

Năm nay, mặt tích cực của việc Nhà nước tham gia sâu vào công tác tổ chức lễ hội ở đền Sóc (Hà Nội), chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh) là chấn chỉnh được hình ảnh bạo lực, phản cảm. Nhưng ngược lại, người dân không thật sự hài lòng vì không được tự do thực hành nghi lễ truyền thống. Dưới góc độ của nhà nghiên cứu văn hóa, ông có cho rằng Nhà nước tham gia vào tổ chức lễ hội như vừa qua là hợp lý?

- Chúng ta không thể áp dụng nguyên xi biện pháp tổ chức truyền thống cho xã hội hiện đại. Chính vì vậy, sự tham gia của Nhà nước vào công tác đảm bảo trật tự an ninh như các lễ hội kể trên là cần thiết. Khi dự hội Gióng ở đền Sóc và Phù Đổng, tôi nhận thấy một trong những cớ để gây ra bạo lực là đội ngũ hộ tống đoàn rước rất hung hăng.

Năm qua, Ban tổ chức lễ hội đền Sóc quyết định không mang gậy gộc, bát bửu khi hộ tống là bất đắc dĩ. Đó là những giải pháp tức thời khi những bài toán bạo lực trong việc tổ chức lễ hội chưa giải quyết được. Trong Đề án tổ chức và phát huy giá trị lễ hội Gióng, chúng tôi đề xuất một số phương án tập huấn cộng đồng, những người tham gia vào lễ hội sao cho có cách ứng xử văn minh. Vẫn là cướp may mắn nhưng đến xã hội hiện đại phải ứng xử khác. Cũng cần suy nghĩ cách tổ chức cho người đi dự hội thế nào được hưởng lộc của thần thánh một cách văn minh và văn hóa.

Giảm bạo lực không cần phải cấm

Có bài học nào của thế giới giải quyết hài hòa được những mâu thuẫn của lễ hội như ở Việt Nam?

- Tôi được nghe và được xem những đoạn băng ghi hình lễ kéo co ở Hàn Quốc. Trước đây cũng tranh cướp dữ dội lắm, người ta cũng tin sự may mắn đến với người nào có được một mẩu dây thừng dùng kéo co trong ngày hội, nhưng hiện nay đặt trong điều kiện văn minh, Ban tổ chức đã nghĩ ra phương án khi kết thúc ai có nhu cầu thì đều có thể dùng kéo để cắt một đoạn dây thừng. Ở Việt Nam, có Hương Canh (Vĩnh Phúc) giải quyết được bài toán này. Trước đây nghi lễ kéo co của họ diễn ra trong khoảng đất hẹp. Đến nay, để tránh tranh cướp hỗn loạn, địa phương dành khoảng đất rộng, ngăn cách giữa khán giả và nơi thực hành nghi lễ bằng một hào nước. Chính vì vậy, lễ hội của họ đã diễn ra quy củ, không tranh cướp mà không mất đi tính đối kháng và niềm tin về sự may mắn.
Người dân chen nhau cướp ấn tại Lễ hội Khai ấn đền Trần 2016. 	Ảnh: Chiến Công
Người dân chen nhau cướp ấn tại Lễ hội Khai ấn đền Trần 2016. Ảnh: Chiến Công
Bản thân hội làng là câu chuyện văn minh văn hóa, nhân văn. Ba vấn đề liên quan lễ hội gây bức xúc dư luận là nhận thức về tâm linh của người đi lễ chưa đầy đủ. Lễ hội còn lộn xộn vì tổ chức chưa khoa học. Cái áo cũ (truyền thống, không gian, cách vận hành) không mặc vừa với cơ thể hiện đại (con người quá đông vượt ra phạm vi một làng, một xã). Hơn nữa, nhiều nghi lễ được nuôi cấy thêm từ lễ hội truyền thống. Nhiều người nói với tôi rằng, phát ấn đền Trần như hiện nay là câu chuyện mới có 25 – 30 năm nay. Ý nghĩa của ấn đền Trần không phải ấn tín nhà vua, chỉ là ấn của thủ đền và cũng không phải là ngày khai ấn bắt đầu công việc một năm mới của nhà vua. Tính thiêng ấy được tạo dựng và đẩy lên dần mà giờ đang phải giải quyết.

Vậy là theo ông mâu thuẫn nào của lễ hội cũng giải quyết được, kể cả đỉnh điểm mâu thuẫn như lễ hội đền Trần (Nam Định)? Để giảm bạo lực của lễ hội đền Trần có cần cấm phát ấn?

- Giải quyết mâu thuẫn của lễ hội không còn trong phạm vi của các nhà văn hóa. Cần có sự chung tay bàn bạc cả với các nhà điều khiển, vận trù học, ngành công an… Nếu nhận ấn là nhu cầu của đông đảo Nhân dân thì không cần cấm phát. Thế nhưng, sự may mắn không thể đến với số đông trong một thời điểm mà cần có giới hạn. Khi nhu cầu nhận ấn là vô hạn mà không gian tổ chức là hữu hạn thì cần đặt bài toán giới hạn số người tham gia một cách công bằng, bình đẳng như thế nào. Hoặc ở lễ hội cướp phết (Phú Thọ) cũng cần giới hạn số người tham gia cướp phết, xây dựng nguyên tắc của cách chơi, luật chơi cho phù hợp với thời đại. Những nguyên tắc mới này dân làng cần thảo luận và quyết định.

Nhiều đơn vị cho rằng, nguyên nhân chính của mặt trái của lễ hội là ý thức người dự hội?

- Tôi không phủ nhận bộ phận không nhỏ người dự hội chưa thật ý thức chấp hành nội quy của di tích, đền chùa. Trong khi nhiều đơn vị nỗ lực dẹp trật tự thì người dân vẫn cố tình chen lấn, xô đẩy để tranh cướp. Nhưng lỗi phần nhiều cũng từ đơn vị tổ chức. Chúng ta thử làm phép so sánh. Tại sao cùng là người Việt, du Xuân đến Quảng Ninh nhưng đến Thiền viện Trúc Lâm lại trật tự văn minh từ chỗ thắp hương. Những tín đồ ở đây được giáo dục cẩn thận, có nghiêm luật. Ở những nơi lộn xộn là do chúng ta không đặt được và thực thi nghiêm khắc những quy định. Môi trường xã hội làm cho con người hướng thiện. Môi trường tốt sẽ giúp con người làm việc tốt. Nếu là hoàn cảnh dễ xảy ra lộn xộn gây ra tranh chấp thì bản năng thú tính của con người dễ trỗi dậy. Người xưa nói: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, chính là ứng vào việc chúng ta đang bàn.

Xin cảm ơn ông!
Đại đa số người dân đi lễ trong tình trạng lờ mờ về sự hiểu biết tín ngưỡng lễ hội. Chính vì vậy dẫn tới hành động ra sức tranh cướp vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn. Những hành động tranh cướp, đánh nhau, chen lấn ở lễ hội cướp phết và đền Trần vừa qua cũng vì sự hiểu biết tín ngưỡng có hạn.
PGS.TS Ngô Đức Thịnh

 Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam
 
Năm nay, Bộ VHTT&DL đã nỗ lực chấn chỉnh các lễ hội, đặc biệt là lễ hội có yếu tố bạo lực. Một vài lễ hội chấn chỉnh được, còn nhiều nơi khác vẫn là “điểm nóng”. Để giải quyết triệt để, theo ý kiến chủ quan của tôi, nên chăng cần lắp camera ở lễ hội có yếu tố nhạy cảm, để có thể phạt “nóng”, phạt nguội cả dân và quan vi phạm.
PGS.TS Phan Đình Tân  

Chánh văn phòng 
Bộ VHTT&DL