Bạo lực tình dục - Điều không dễ tiết lộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng bạo lực, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, hiện vẫn còn khá phổ biến, diễn ra trong mọi xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới.

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh& Xã hội tại Diễn đàn chính sách “Thực trạng và giải pháp phòng ngừa, ứng phó bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Nạn nhân bạo lực giới

Theo kết quả nghiên cứu của quốc tế và ở Việt Nam: 35% phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu từng phải trải qua một hình thức bạo lực về thể chất và tình dục trong cuộc đời của họ. Người ta ước tính rằng, có tới 30 triệu trẻ em gái dưới 15 tuổi vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hủ tục cắt bỏ cơ quan sinh dục và hơn 130 triệu trẻ em gái và phụ nữ đã từng trải qua hủ tục này trên toàn thế giới; hơn 700 triệu phụ nữ còn sống đã kết hôn khi còn nhỏ, 250 triệu người trong số đó đã kết hôn trước tuổi 15.

Những cô gái kết hôn trước tuổi 18 ít có khả năng để hoàn thành việc học tập của mình và đồng thời có nhiều nguy cơ bị bạo lực gia đình và những biến chứng khi sinh con.

 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ở Việt Nam, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ công bố năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời.

Theo Điều tra Quốc gia về Bạo lực gia đình được tiến hành năm 2010, 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ.

87% cho biết họ đã bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. 10% cho biết họ đã bị bạn tình của họ cưỡng ép tình dục, 30% người làm nghề mại dâm cho biết họ đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% đã bị ép buộc tình dục.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Nhưng có đến 87% nạn nhân bạo lực gia đình đã không tìm kiếm sự giúp đỡ nào vì thiếu các dịch vụ hỗ trợ mà họ có thể tiếp cận. Nhiều người quá sợ hãi bị kỳ thị và phân biệt nên họ đã không cho ai biết họ là nạn nhân của bạo lực tình dục. Các số liệu cho thấy Chính phủ cần đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các nạn nhân bạo lực giới.

Tuy nhiên, so với các dạng bạo lực khác, việc đánh giá thực trạng và xử lý bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái dường như đang gặp nhiều khó khăn hơn. Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ công bố năm 2010 cũng đã nhận định, phụ nữ gặp khó khăn hơn khi tiết lộ những trải nghiệm bạo lực tình dục so với những trải nghiệm bạo lực thể xác.

Việt Nam chú trọng giải pháp bảo đảm quyền bình đẳng giới

Trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn chú trọng thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Việc bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền của phụ nữ và thực thi bình đẳng giới đã được khẳng định trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam. Khoảng cách về giới trong tiếp cận giáo dục hầu như không còn trong tất cả các bậc học. Phụ nữ Việt Nam hiện chiếm 48,4% lực lượng lao động, 24% số đại biểu Quốc hội và 25% số chủ doanh nghiệp.
Bạo lực tình dục - Điều không dễ tiết lộ - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Theo khảo sát đầu năm 2015 của Tập đoàn Tài chính Quốc tế Master Card, Việt Nam đạt 66/100 điểm về chỉ số tiến bộ phụ nữ và xếp thứ 5/16 quốc gia được khảo sát tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây là chỉ số đánh giá vị trí kinh tế - xã hội của phụ nữ với ba tiêu chí là việc làm, trình độ học vấn và khả năng lãnh đạo.

Để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác bình đẳng giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng. Bởi cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam đang diễn ra dưới nhiều hình thức và ở nhiều môi trường khác nhau, từ trong gia đình tới cộng đồng và xã hội.