Bài viết với tiêu đề "Đại hội XIII xác định tương lai của Việt Nam" đăng trên cả báo in và trên trang điện tử Kommersant.ru.
Theo bài báo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khai mạc Đại hội lần thứ XIII tại Hà Nội. Các đại biểu sẽ hoàn thiện và cập nhật chiến lược phát triển đất nước trong những năm tới và bầu ban lãnh đạo mới. Trong dự thảo các văn kiện của Đại hội có lưu ý đến mốc thời gian năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản - Việt Nam chuyển sang trạng thái phát triển năng động, có nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trên mức trung bình của thế giới. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày tuyên bố độc lập, nhiệm vụ đặt ra là Việt Nam đạt được các chỉ số của một quốc gia phát triển với thu nhập cao.
Các đại biểu đến dự phiên thảo luận về các văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, chiều 27/1/2021. Ảnh: TTXVN |
Báo Kommersant nhận định Việt Nam đang triển khai những tư tưởng kinh điển của chủ nghĩa Mác kết hợp với đặc điểm dân tộc, đồng thời đang nỗ lực khẳng định tính hiệu quả của mô hình phát triển với mục tiêu là tạo ra một quốc gia thịnh vượng và hạnh phúc vào giữa thế kỷ XXI. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất ở châu Á. Đồng thời, nhờ những cải cách kinh tế được thực hiện trong nước, mô hình Việt Nam đã cho thấy hiệu quả và đang trên đường đa dạng hóa cũng như chinh phục thị trường nước ngoài.
Báo trên dẫn các số liệu mà Viện Kinh tế Việt Nam (VIE) đưa ra trước ngày khai mạc Đại hội, dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả nước năm 2021 sẽ đạt 6,9%, cao hơn 0,4% so với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ Việt Nam đã xác định trước đó. VIE cũng cho rằng trong 10 năm tới, tăng trưởng GDP hằng năm của Việt Nam sẽ đạt mức 7%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm nay, tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6,8%. Ngân hàng HSBC dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,6% trong năm 2021 nhờ gia tăng sản xuất trong các doanh nghiệp công nghệ cao và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Báo Kommersant cho rằng đại dịch Covid-19 đang bao phủ khắp thế giới, nhưng hầu như không ảnh hưởng đến Việt Nam. Các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã cho phép quốc gia 95 triệu dân của khu vực Đông Nam Á này tránh được đại dịch. Việt Nam không có đủ phương tiện để xét nghiệm hàng loạt nên đã lựa chọn cách chống lại Covid-19 với chi phí thấp nhất, trong đó nổi bật là việc cô lập các ổ lây nhiễm và phòng ngừa tích cực. Kết quả là đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng số hơn 1.500 ca mắc Covid-19, trong đó 35 ca tử vong.
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, truyền thông trong nước thông báo rằng Việt Nam sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 thứ hai Covivac do nước này nghiên cứu vào tháng 2, trong khi nghiên cứu về vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên Nanocovax đã bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái và sẽ kéo dài đến tháng 2 năm nay.