Những ngày đầu năm mới, khi hoạt động trao đổi tại các chợ, siêu thị chưa sôi động, các bà nội trợ thường có thói quen tích trữ thực phẩm để dùng dài ngày. Để thực phẩm an toàn, việc bảo quản đóng vai trò quan trọng. Những cách dưới đây giúp bạn bảo thực phẩm an toàn hơn.
Mặc dù không phải là món ăn chính trong ngày Tết nhưng trứng lại là nguyên liệu không thể thiếu khi chế biến thức ăn. Nếu bạn muốn cất giữ trứng được lâu thì không nên lau hay rửa sạch trứng, vì trên vỏ trứng có một lớp màng bao bọc, có tác dụng đóng các lỗ thông khí của trứng gà lại, ngăn ngừa các bụi bẩn, vi khuẩn ở môi trường bên ngoài xâm nhập vào lòng trứng và chỉ cho phép ôxy lọt vào lòng trứng. Nếu rửa sạch vỏ trứng, lớp màng này sẽ mất đi, vi khuẩn trong không khí sẽ xâm nhập vào trong trứng dễ khiến cho quả trứng nhanh bị hỏng.
Khi cất trứng, bạn nên đặt dọc quả trứng, không nên đặt chúng nằm ngang dễ sinh ra hiện tượng “lòng đỏ dính vào vỏ trứng”. Bởi vì độ đậm đặc của lòng trắng trứng gà tươi mới có thể giữ cho lòng đỏ cố định ở giữa lòng trắng. Tuy nhiên, nếu để một thời gian, lòng trắng trứng bị tác dụng của dung môi dần dần làm cho một phần thủy phân bị thoát đi, làm mất tác dụng cố định lòng đỏ trứng, Lúc này, nếu đặt quả trứng nằm ngang sẽ dẫn đến hiện tượng lòng đỏ dính vỏ do lòng đỏ nhẹ hơn sẽ nổi lên dựa sát vào vỏ trứng.
Bạn cũng không nên để chung trứng với những thứ có nhiều tinh dầu như: Gừng, hành, ớt…vì mùi của những loại này sẽ xâm nhập vào trứng thông qua lỗ thông khí ở vỏ trứng làm cho trứng bị biến chất, nếu để thời gian dài sẽ khiến trứng bị ung.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng tin tưởng độ an toàn của thực phẩm trong các siêu thị, cửa hàng rau thịt sạch nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng an toàn hơn các thực phẩm bày bán ở chợ. Quan trọng là bạn biết rõ xuất xứ của thực phẩm đó.
Hãy lựa chọn các sản phẩm tươi, không có vết (sứt sẹo, méo mó, bầm dập...) nếu là rau củ, hoa quả. Khi mua trứng, chọn quả có vỏ sáng, không nứt, vỡ. Chọn mua thịt tại các cửa hàng thịt sạch uy tín. Không mua các loại đồ hộp đã bị phồng rộp, móp méo, mất nắp. Với các sản phẩm đông lạnh, chọn những thực phẩm được để trong khu vực lạnh và đóng tuyết trắng.
Khi mua các loại rau quả và thịt cá, hãy đựng mỗi loại trong một túi riêng biệt. Nên có một hộp giữ lạnh đa năng để bảo quản các thực phẩm đông lạnh từ chợ về nhà. Nếu không có hộp giữ lạnh thì cách tốt nhất là mua đồ đông lạnh ở khu vực gần nhà nhất.
Bạn nên chọn những loại thịt đã được kiểm dịch, thịt tươi mới, màu hồng, mỡ trắng hồng, da trắng sạch, khi ấn vào thịt có cảm giác chắc và đàn hồi. Nếu có xương thì thịt dính chặt vào xương.
Với các loại cá, hải sản bạn nên rửa sạch và cho vào từng hộp để tránh lẫn mùi vị và tiện sử dụng. Số lượng thực phẩm mỗi hộp đủ dùng cho từng bữa bởi sau khi rã đông nên chế biến hết chứ không nên cho vào ngăn đá trở lại. Nên sử dụng thớt riêng để chế biến thức ăn sống và thức ăn chín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Khi mua cá tươi, bạn nên chọn cá vẫn còn bơi trong nước, mang cá đỏ hồng, ấn thịt cá chắc và đàn hồi, bụng trắng, không phình, vảy cá dính chặt vào thân. Tôm tươi là loại tôm đầu còn dính chặt, thịt chắc dính vào vỏ.
Nếu bạn mua cá biển đông lạnh hay hải sản đông lạnh, bạn nên chọn những sản phẩm còn giữ nguyên màu sắc tự nhiên và nên chọn những túi nhỏ để nấu vừa một bữa với gia đình của mình. Nếu cá biển đông lạnh khi nấu lên bạn ăn thấy bở, mất màu tự nhiên thì có thể là sản phẩm đã được bảo quản lạnh không đúng nhiệt độ hoặc đã bị giã đông và cấp đông lại. Trường hợp này, bạn nên bỏ đi vì chúng không còn an toàn đối với sức khỏe.
Để an toàn trong mỗi bữa ăn ngày Tết, bạn cần rửa rau thật kỹ dưới vòi nước chảy để loại bỏ trứng giun, vi khuẩn gây bệnh và dư lượng hoá chất trừ sâu còn bám trên lá rau. Nếu ăn lẩu, bạn nên cẩn trọng với những loại rau trồng dưới nước vì có nhiều kí sinh trùng bám trực tiếp lên rau mà mắt thường không thể nhìn thấy được, trong đó nhiều nhất là trứng của ký sinh trùng và vi khuẩn. Với những loại rau bị sâu ăn lá, bạn cũng không nên vì vậy mà mất cảnh giác vì vẫn có một số loài sâu hại có tính kháng thuốc cao nên vẫn sống sót dù đã bị phun thuốc.
Sau khi rửa rau thật sạch dưới vòi nước chảy, bạn mới nên cắt rau để phát huy được tác dụng của các loại rau, quả. Nếu cắt rau trước rồi mới rửa sẽ làm tăng diện tích tiếp xúc của rau với nước, làm cho các chất dinh dưỡng trong rau chủ yếu là nước, vitamin và khoáng chất bị tan trong nước, đặc biệt là vitamin C. Ngoài ra, cũng không nên ngâm rau quá lâu trong nước vì trong rau xanh chứa rất nhiều nước, căn cứ vào nguyên lý thẩm thấu, nếu ngâm lâu rau trong nước sẽ khiến nước bên ngoài sẽ xâm nhập vào rau để đạt trạng thái dung dịch cân bằng. Đến khi vách tế bào bị phá vỡ do lượng nước thẩm thấu quá nhiều thì dung dịch trong tế bào chất sẽ hoà tan với môi trường nước bên ngoài.
Vì vậy, các chất dinh dưỡng trong rau cũng bị hoà tan với môi trường nước bên ngoài. Rau sau khi cắt, lại bị ngâm vào nước sẽ bị tổn thất từ 14-23%, nếu ngâm trong 1 đêm thì lượng vitamin C gần như bị thất thoát hoàn toàn. Các chất dinh dưỡng khác như vitamin nhóm B hoặc khoáng chất và protein tan trong nước cũng bị thất thoát giống như vậy.
Không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh vì khi để lâu chúng cũng bị thối rữa. Không để thực phẩm gần các hóa chất hoặc các chất tẩy rửa gia đình. Một số loại thực phẩm như hành và khoai tây không cần phải cất trong tủ lạnh nhưng cũng không nên cất chúng ở dưới gần chậu rửa bởi chúng có thể nhiễm vi khuẩn từ các lỗ rò trên đường ống nước thải.
Kiểm tra tủ lạnh và nhiệt độ trong tủ. Để nhiệt độ trong tủ lạnh là 4,50C. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ trong tủ lạnh bằng nhiệt kế.
Cất đồ ăn thừa. Những thức ăn không ăn hết cần được đựng trong những chiếc hộp có nắp chặt và để tối đa là 3 ngày. Nếu thấy nghi ngờ thì nên vứt bỏ ngay.
Mỗi người hãy nêu cao trách nhiệm tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình và bảo vệ cộng đồng, vui xuân nhưng không quên giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.