Sáng 15/11, ngay khi bão số 13 quét qua, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã tìm đường về huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) để ghi nhận tình hình. Tại thị trấn Thuận An, phải vượt qua nhiều điểm ngập lụt sâu, nhiều chỗ đường chia cắt chúng tôi mới tiếp cận được địa bàn. Hiện ra trước mắt chúng tôi là cảnh tượng hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, hàng chục tàu thuyền của người dân bị sóng đánh hư hỏng hoặc nhấn chìm.
Hướng về thôn An Hải (thị trấn Thuận An), nhìn trong ánh mắt người dân còn tỏ rõ vẻ thất thần. Chân sưng vù đi cà nhắc, bà Mai Thị Hường nhìn ngôi nhà bị bão tàn phá mà rơi nước mắt. “Toàn bộ ngôi nhà vừa lợp xong, tiền còn mắc nợ người ta chưa biết lấy đâu ra để trả thì nay bị bão cuốn bay hết rồi chú ơi” – bà Hường ngậm ngùi. Gia đình bà Hường thuộc diện cận nghèo của xã, bản thân bà bị bệnh và thương tật từ nhỏ. Hai mẹ con làm thuê mưu sinh qua ngày. Cũng theo bà Hường, hàng chục năm rồi người dân Thuận An mới chứng kiến một cơn bão mạnh có sức tàn phá khủng khiếp như bão Vamco. “May là người dân đã được chính quyền cảnh báo từ sớm nên không có thiệt hại về người. Nhưng chú thấy đó, nhiều ngôi nhà của bà con lối xóm đã bị hư hại quá nặng” - bà Hường nói.
Cách nhà bà Hường không xa, ông Trần Văn Xá (70 tuổi) đang cố gắng dọn dẹp đống đổ nát sau bão để có chỗ ở tạm thời cho cả nhà. Nét mặt chưa hết bàng hoàng, ông Xá kể: “Khoảng 2 giờ 30 sáng 15/11, bão đổ bộ, gió rít và giật rất mạnh, chúng tôi vừa kịp chạy đi tìm nơi tránh trú thì toàn bộ mái nhà đổ sụp xuống. Bão đã làm hư hỏng gần như toàn toàn ngôi nhà khiến gia đình không thể ở được, 6 người phải đi tá túc hàng xóm. Mất sạch rồi!”. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Trưởng thôn An Hải Lê Văn An cho biết, toàn thôn có hàng chục ngôi nhà bị hư hỏng nặng, các công trình đường sá, nước sinh hoạt trong làng, trụ điện bị ngã đổ, hư hỏng nặng.
Địa bàn xã Phú Hải cũng cảnh tượng hoang tàn sau bão, chính quyền và người dân tập trung dọn dẹp nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống. Phó Chủ tịch xã Phú Hải Hoàng Thanh Vinh cho biết, bão số 13 đã khiến 91 ngôi nhà tốc mái, bờ biển sạt lở từ 10 - 15m, tuyến Quốc lộ 49B qua địa bàn xã bị sạt lở 200m.
Có mặt tại trường Tiểu học Phú Thuận 1 (xã Phú Thuận, Phú Vang), thầy Đỗ Viết Đề - Hiệu trưởng nhà trường cùng thầy cô đang nỗ lực dọn dẹp những đống đổ nát. “Bão đi qua để lại cho nhà trường cảnh tan hoang ở đây. Tất cả đồ dùng phục vụ dạy học đều bị cuốn phăng. Rồi đây không biết khi nào các em học sinh mới trở lại trường học được?” – chỉ tay về đống đổ nát, thầy Đề xót xa nói.
|
Tàu thuyền bị chìm trong bão số 13 |
Trong khi đó tại Quảng Trị, bão số 13 đã làm 6 người bị thương trong quá trình chằng chống nhà cửa tránh bão. Toàn tỉnh đã có 98 nhà dân bị tốc mái, 23 giếng phục vụ nuôi trồng thủy sản tại xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong bị hư hỏng; 17 trụ điện bị gãy đổ. Bãi biển xã Gio Hải, huyện Gio Linh tiếp tục bị sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 5-10m, làm hư hỏng, sập đổ 15 quán kinh doanh của người dân.
Bão số 13 cũng đổ bộ trực tiếp vào Quảng Bình với sức gió cấp 9, giật cấp 10. Khoảng 8 giờ 30 sáng 15/11, bão đã vần vũ ở Quảng Bình, càng trưa gió càng giật mạnh liên hồi kèm theo mưa to. Nhờ chủ động ứng phó kịp thời nên cơn bão số 13 gây thiệt hại không đáng kể. Thông tin bước đầu từ huyện Lệ Thủy cho biết, một số hộ dân ở xã Ngư Thủy bị bay mái hiên, nhà bếp; một đoạn bờ biển tại đây bị sạt lở. Tại TP Đồng Hới, kè biển Nhật Lệ bị sạt lở từ trận bão, lũ trước nay tiếp tục lở sâu thêm, một số biển quảng cáo nhỏ bị gãy đổ.
Người dân các tỉnh miền Trung vừa trải qua những trận lũ lụt kinh hoàng, nay gánh thêm bão số 13, cuộc sống khó khăn thêm chồng chất.
Xót xa nhìn biển lởTheo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, TP Đà Nẵng mặc dù bị ảnh hưởng nhẹ của cơn bão số 13, tuy nhiên, sóng đã làm hư hỏng nặng bờ kè sông Hàn trên đường Như Nguyệt cạnh cầu Thuận Phước. Ngoài ra, sóng lớn cũng gây sạt lở nặng nề tại các bãi biển.
Tổng Giám đốc Công ty CP Cầu đường Đà Nẵng Võ Thành Được cho hay: “Cơn bão số 13 vào Đà Nẵng không mạnh lắm nhưng đã gây một số thiệt hại tương đối nhiều về hạ tầng giao thông. Nặng nhất là vỉa hè tuyến đường Như Nguyệt do ngay tại cửa biển nên sóng đánh vào rất mạnh. Thứ hai là đường Hoàng Sa do sóng đánh cát tràn lên. Hiện chúng tôi đang khắc phục để đảm bảo giao thông cho người dân”.
Có mặt tại biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà), nhiều người dân xót xa nhìn sóng lớn dồn dập tàn phá bãi biển. Sóng lớn khiến nhiều đoạn ở khu vực kè biển bị xói mòn nghiêm trọng. Trước đó, nhiều đoạn kè biển bị bão số 9 làm hư hại, nay lại tiếp tục bị sóng biển đánh tan tác. Những hàng dừa trồng dọc khu vực bờ biển bị sóng to, gió lớn làm gãy đổ la liệt, một số cây còn trụ vững thì sóng đánh trơ cả rễ. Một số nhà hàng ven biển bị sóng đất trơ móng bê tông. Đứng lặng nhìn biển lở, ông Nguyễn Văn Hải (quận Sơn Trà) xót xa: “Bãi biển đẹp như thế mà bây giờ tan hoang, tiêu điều. Cứ mưa bão hoài như thế này không biết bao giờ bãi biển mới trở lại như trước”.
Do ảnh hưởng bão số 13, bờ biển Hội An (tỉnh Quảng Nam) lại sạt lở hàng km khiến người dân không khỏi bàng hoàng. Các điểm sạt lở đã ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét, sóng đang dần nuốt chửng cả bãi tắm An Bàng. Hàng chục nhà hàng ven bãi tắm này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hư hại, sụp đổ các vệt kiến trúc xây dựng. Ông Đinh Lỳ (chủ một nhà hàng) ngao ngán nói: “Nguyên đường bờ biển An Bàng gần 2km đã bị sạt lở hoàn toàn, không còn chổ nào lành lặn cả. Riêng nhà hàng của tôi, sóng biển đã cuốn trôi hơn 15m sân, hàng chục cây dừa… Nếu tình trạng này kéo dài thì e rằng chẳng còn gì để dân kinh doanh nữa”.