Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bão số 11 đang mạnh lên ngoài biển Đông

Hà An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hồi 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 740km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Bão rất mạnh khi ở ngoài Biển Đông (có thể đạt cấp 12, giật cấp 15) nhưng sẽ suy yếu nhanh khi qua đảo Hải Nam và khi cập bờ chỉ đạt cấp 8-9 (thậm chí còn có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới). Vị trí bão đổ bộ là Bắc Trung Bộ, thời gian đổ bộ là sáng 17/10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam sau đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và mạnh lên. Đến 13 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,5 độ Vĩ Bắc; 116,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 13. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,0 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng15km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260km về phía Bắc Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.

Do ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 11, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau-Kiên Giang có mưa rào và dông, trong cơn dông có khả năng gió giật cấp 7-8.

 Phạm vi ảnh hưởng mạnh bởi hoàn lưu bão sẽ suốt từ Móng Cái tới Huế, trọng tâm là đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nơi vẫn đang bị ngập nặng nề.

 Mưa sẽ tập trung từ 16-17/10, một số khu vực kéo sang ngày 18/10. Tổng lượng mưa đợt này lượng mưa không lớn bằng áp thấp nhiệt đới vừa rồi, nhưng với lượng nước hiện tại chưa  kịp thoát hết thì khả năng tái ngập lụt là hoàn toàn có thể xảy ra.

Hà Nội 16/10 sẽ có mưa bão và lạnh. Mưa tại Hà Nội tập trung trong 16/10, ngày 17/10 giảm dần nhưng hết hẳn có lẽ phải sang nửa sau ngày 18/10. Với cơn bão này gió mạnh nhất ở Hà Nội sẽ đạt tới cấp 5 và có thể xuất hiện gió giật cấp 6-7 do hoàn lưu bão cộng hưởng với không khí lạnh.