Bão số 13 liên tục tăng cấp, các địa phương chủ động nhiều kịch bản ứng phó

Đức Thọ (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo, cơn bão số 13 xuất hiện vào cuối mùa bão, trong thời gian không khí lạnh liên tục được tăng cường nên diễn biến rất phức tạp. Do đó các địa phương trong vùng dự báo chịu ảnh hưởng đã rất chủ động trong công tác ứng phó.

Hồi 16h ngày 10/11, vị trí tâm bão số 13 (bão Haikui) cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 710km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 110km tính từ vùng tâm bão.
 Vị trí và đường đi của bão số 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và còn có khả năng mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Biển động rất mạnh. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 14,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.

Trước đó hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh tăng cường từ phía Bắc đã gây mưa to đến rất to cho các tỉnh miền Trung. Hậu quả, nhiều tỉnh thành ngập lụt nghiêm trọng, kéo theo sạt lở đất đe dọa đời sống Nhân dân. Theo thống kê, hiện nay tại tỉnh Quảng Ngãi nước lũ đã cơ bản rút. Các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên cơ bản đã hết ngập. Tuy vậy vẫn có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi và sụt lún ven sông các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định.
Thừa Thiên Huế: Xả lũ về hạ du chuẩn bị đón bão

Sáng 10/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức cuộc họp với đại diện các địa phương, sở ngành liên quan về công tác ứng phó bão số 13.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh cho biết, hiện nay mực nước tại các hồ chứa trên địa bàn đang ở mức cao. Lũ ở hạ lưu sông Bồ đạt mức báo động 2; sông Hương trên báo động 2.

Theo dự báo của các trung tâm khí tượng thế giới như Nhật Bản thì bão số 13 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh, thành từ Đà Nẵng trở vào; Hải Quân Hoa Kỳ dự báo ngày 14/11, bão sẽ ảnh hưởng đến Huế và kết hợp với không khí lạnh.

Đài khí tượng Thủy văn tỉnh đưa ra các kịch bản: Nếu bão vào phía Nam của Huế thì lượng mưa khoảng 200-300mm; vào phía Bắc của Huế thì lượng mưa sẽ giảm hơn nhiều, do đó các cơ quan chức năng cần phải tính toán kỹ các thông số, phối hợp với các sở ngành để có phương án điều tiết phù hợp.

Ông Phan Thanh Hùng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, sáng 10/11, đơn vị đã phát lệnh vận hành hồ chứa các hồ thủy điện trên địa bàn. Các nhà máy đã chuẩn bị sẵn sàng phương án vận hành và các địa phương cũng được giải thích rõ nước ở vùng hạ du trong giai đoạn này sẽ dâng do công tác điều tiết xả lũ, để chủ động phương án “4 tại chỗ” ứng phó.

Theo đó, từ 13h ngày 10/11, các hồ thủy điện sẽ bắt đầu điều tiết xả lũ về hạ du. Cụ thể, đối với hồ thủy điện Bình Điền, sẽ vận hành điều tiết qua cống tháo sâu và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến, để đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ là +74,5m; đối với thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết qua tràn và qua tuabin với lưu lượng tăng dần, đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ là +56m; đối với hồ Tả Trạch vận hành điều tiết qua cống tháo sâu và qua tuabin, đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ là +35m…

Ông Hùng cũng thông tin, hiện nay các hồ chứa thủy lợi đã đầy, ở mức cao. Do vậy, đối với hồ thủy lợi do đang tràn tự do, đề nghị phía Công ty Công ty Quản lý & Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh tổ chức kiểm tra rà soát các vật tư và bố trí lực lượng trong trường hợp xảy ra sự cố để cứu hộ. Các hồ thủy điện cũng sẵn sàng công tác ứng phó nhất là đường dẫn lên các đập, không thể ách tắc khi xảy ra sự cố.
 Ngập lụt tại TP Huế trong bão số 12.
Hà Tĩnh: Quản chặt tàu thuyền ra khơi, sẵn sàng di dời dân tránh bão

Chiều 11/10, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Tĩnh đã gửi công điện yêu cầu các ban, ngành chức năng cùng địa phương ven biển kịp thời thông báo, hướng dẫn chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 13 để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Đồng thời theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền để xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; hướng dẫn việc neo đậu tại bến, nhất là khu vực neo đậu quanh các đảo.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến bão; tuyệt đối không được chủ quan, phải cảnh báo và thông báo kịp thời diễn biến của bão đến người dân để chủ động các biện pháp phòng, tránh; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản, đặc biệt là tại các khu vực ven biển, trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản; tại những khu vực thấp trũng ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất;

Nắm chắc số lượng cụ thể số hộ dân trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, vùng hạ du các hồ chứa lớn, vùng có nguy cơ cao xẩy ra lũ quét (tên chủ hộ, số điện thoại và người chỉ huy) để chủ động các phương án di dời dân đến nơi an toàn.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng yêu cầu Giám đốc các công ty TNHH MTV thủy lợi Nam, Bắc Hà Tĩnh, Nhà máỵ thủy điện Hố Hô, Thủy điện Hương Sơn, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Vũng Áng và các địa phương tổ chức kiểm tra ngay các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, nhất là các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao, triển khai các phương án đảm bảo an toàn; Đối với hồ chứa có tràn xả sâu, yêu cầu các chủ quản lý phải tính toán, cân đối và vận hành điều tiết hợp lý đảm bảo an toàn cho công trình và giảm thiểu ngập lụt cho vùng hạ du;

Kiểm tra và triển khai các phương án đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, đặc biệt đối với các điểm xung yếu và những điểm bị hư hỏng do bão số 10 hiện chưa được khắc phục, các công trình thi công dở dang.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần