Bão số 16 - Tembin: Gió đang giật mạnh ở Côn Đảo, các tỉnh miền Nam mưa lớn

D. Tùng - Đức Thọ - Trúc Mai - H. Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 16 - Tembin tiếp tục có xu hướng yếu dần; hoàn lưu bão đang gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ, tại Côn Đảo đã có gió giật mạnh cấp 7.

Bão đang gây mưa cho các tỉnh Nam Bộ

Hồi 19 giờ ngày 25/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, cách Côn Đảo khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 130km về phía Tây Bắc, khoảng 70km về phía Đông Nam tính từ vùng tâm bão.

 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi ca nô thị sát, đôn đốc công tác ứng phó bão số 16 tại cửa biển, huyện Trần Đề, Sóc Trăng

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu thêm, tốc độ di chuyển 15-20km/h, đến 07 giờ ngày 26/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,7 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng ven biển từ Trà Vinh đến Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 11.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, tốc độ di chuyển khoảng 20km/h, đến 19 giờ ngày 26/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,9 độ Vĩ Bắc; 102,8 độ Kinh Đông, trên khu vực vịnh Thái Lan, cách Thổ Chu khoảng 120km về phía Tây Tây Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Trong đêm nay (25/12), vùng biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau (bao gồm cả Côn Đảo) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11.

Trên đất liền các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang có gió giật cấp 8. Trên đất liền các khu vực khác thuộc Nam Bộ có gió giật cấp 7, riêng các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận do kết hợp với không khí lạnh nên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Ven biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau có khả năng nước biển dâng do bão khoảng 0,5 mét, sóng biển cao 3-5 mét.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Bắc bão số 16 kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, vùng biển Ninh Thuận, Bình Thuận (bao gồm cả đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 4-6 mét.
  Thời tiết tại Côn Đảo trưa 25/12. Ảnh: Bá Sơn.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20km/h và tiếp tục suy yếu thêm. Đến 07 giờ ngày 27/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,6 độ Vĩ Bắc; 99,2 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây vịnh Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8, sóng biển cao 2-4 mét.

Do ảnh hưởng của bão số 16, ở Nam Bộ tiếp tục có mưa to; từ đêm nay ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to và có khả năng kéo dài 2-3 ngày. Từ đêm 26/12, mưa vừa, mưa to có khả năng mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ.

Hủy hàng loạt chuyến bay do ảnh hưởng của bão Tembin
Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) hủy toàn bộ các chuyến bay trong khung giờ từ 12 giờ 40 – 20 giờ 30 trên các đường bay giữa Hà Nội/TPHCM – Phú Quốc (VN1236/1237/1826/1827/1828/1829) và Hà Nội – Cần Thơ (VN1204/1205).
Bão số 16 - Tembin: Gió đang giật mạnh ở Côn Đảo, các tỉnh miền Nam mưa lớn - Ảnh 3
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Các hành khách bị ảnh hưởng trên các chuyến bay này sẽ được bố trí đi trên các chuyến bay ngày 26/12. Đồng thời, trong khung giờ 15 giờ – 23 giờ ngày 25/12, các chuyến bay đến/đi từ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được Hãng điều hành linh hoạt theo ảnh hưởng thực tế của cơn bão và cập nhập liên tục trên website, facebook chính thức của VNA.
Hãng Jestar Pacific (JPA) cũng sẽ điều chỉnh lịch khai thác một số chuyến bay đi/đến từ sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Quốc theo tình hình thực tế diễn biến của bão.
Hãng Vietjet ngừng khai thác các chuyến bay VJ465/VJ466 (chặng Hà Nội – Cần Thơ – Hà Nội), VJ701/VJ464 (chặng Đà Nẵng – Cần Thơ – Hà Nội), VJ457/VJ456 (chặng Hà Nội – Phú Quốc – Hà Nội); VJ331/VJ330/VJ327/VJ326 (chặng TPHCM – Phú Quốc – TPHCM) trong ngày 25/12. Ngoài ra, nhiều chuyến bay khác của các hãng cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.
Căn cứ trên dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương về vùng ảnh hưởng và đường đi dự kiến của bão Tembin, Vietjet lưu ý những hành khách đang có kế hoạch đến/đi từ các sân bay: Tân Sơn Nhất (TP HCM), Phú Quốc (Kiên Giang), Cần Thơ, Cam Ranh (Khánh Hòa) thường xuyên theo dõi các thông tin cập nhật của hãng trên tin nhắn, trang web, các kênh truyền thông và chỉ nên mang theo hành lý gọn nhẹ trên chuyến bay. 
 Đảo An Bang trong bão. Ảnh: Đào Phương Chi.

Phó Thủ tướng: Không được chủ quan ứng phó với bão Tembin

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ vào Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau (khu vực dự báo tâm bão sẽ đổ bộ) để kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão.

Chiều 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ đến kiểm tra công tác ứng phó bão tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Bão số 16 - Tembin: Gió đang giật mạnh ở Côn Đảo, các tỉnh miền Nam mưa lớn - Ảnh 5
 Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Cà Mau thị sát khu neo đậu tàu thuyền tại huyện Trần Văn Thời

Thực tế cho thấy, chính quyền cơ sở, các lực lượng vũ trang đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người, tài sản của nhân dân. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tăng cường lực lượng trực 24/24 và duy trì hiệu quả mạng thông tin liên lạc kêu gọi, thông báo tàu thuyền của ngư dân vào bờ tránh trú.

Đến 18 giờ ngày 25/12, toàn bộ phương tiện của ngư dân hoạt động trên biển đã vào bờ tìm nơi neo đậu; các điểm sơ tán dân cũng đã ổn định nơi ăn nghỉ. Các đơn vị tiếp tục cử lực lượng tuần tra các địa bàn trọng điểm để giữ gìn an ninh trật kết hợp nhắc nhở bà con không chủ, quan lơ là khi tình hình bão đang diễn biến phức tạp.

Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Cà Mau. Nội dung cuộc họp được thông tin đến lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL. Sau khi nghe các báo cáo của các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương, Phó Thủ tướng kết luận cuộc họp. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và biểu dương sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm và sáng tạo của các cấp chính quyền, người dân các tỉnh ĐBSCL.

 Tàu thuyền đánh bắt xa bờ của Sóc Trăng đã kết nối được liên lạc và vào các khu vực trú ẩn an toàn 

Qua thực tế kiểm tra, Phó Thủ tướng ghi nhận các tỉnh đã huy động các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền để cùng với người dân triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng chống bão. Người dân cũng đã có nhiều giải pháp sáng tạo trong việc sử dụng vật liệu sẵn có để chằng chống nhà cửa, nghiêm túc tuân thủ yêu cầu sơ tán khỏi nơi nguy hiểm.

Trong thời gian từ nay đến khi bão đổ bộ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu chung là phải quyết liệt, không được chủ quan mà phải chủ động không để bị bất ngờ, mục tiêu là đảm bảo an toàn tính mạng, bảo vệ tài sản cho người dân, nhà nước, bảo vệ các công trình, cơ sở sản xuất.

Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm lệnh cấm biển cho đến khi an toàn. Cùng với đó, kiểm tra lại việc neo đậu, tránh trú bão, không để người dân còn trên các tàu neo đậu, nhất là trên các tàu thuyền hiện đang neo đậu khu vực cửa sông để đảm bảo an toàn.

Chính quyền các địa phương cũng phải kiên quyết sơ tán người dân khỏi các khu vực nguy hiểm, đưa người dân đến các công trình kiên cố, có khả năng chống chịu gió bão. Cùng với đó, tiếp tục hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn, không để người dân trở lại nhà khi vẫn còn nguy hiểm.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong đêm nay tiếp tục kiểm tra, rà soát lại công tác bảo vệ nhà cửa của người dân, các công trình công cộng, đặc biệt là các tháp cao (cột ăng ten), các công trình hạ tầng thiết yếu (điện, thông tin…), các cơ sở sản xuất...

Bão số 16 - Tembin: Gió đang giật mạnh ở Côn Đảo, các tỉnh miền Nam mưa lớn - Ảnh 7
 Chủ tịch tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiểm tra công tác ứng phó bão. Ảnh báo Cà Mau

Ủy ban Quốc gia về Ứng phó sự cố, Tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng – chống thiên tai, các Bộ, ngành Trung ương chuẩn bị phương tiện, lực lượng để sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ các địa phương, hỗ trợ người dân khi cần thiết. Đặc biệt, cần phát huy vai trò trung tâm của lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an, Quân khu 7, Quân khu 9, Bộ đội Biên phòng, cùng các đơn vị đóng chân trên địa bàn...) trong việc bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc bảo vệ tính mạng cho người dân sau khi bão đổ bộ, tránh tình trạng người dân gặp tai nạn điện, giao thông, tai nạn trong quá trình sửa chữa nhà cửa…Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình mưa bão để kịp thời đưa tin, vận động người dân, cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thể xử lý kịp thời.

Sáng 25/12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Tại đây, Phó Thủ tướng đã đi ca nô ra khu vực cửa biển để thị sát công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu vào nơi trú ẩn an toàn; đồng thời chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia phòng chống bão,...

Phó Thủ tướng đề nghị địa phương tiếp tục khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, hướng dẫn ngư dân neo đậu an toàn; di rời người dân khỏi khu vực nguy hiểm về nơi tránh trú an toàn... Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Lãnh đạo cơ sở phải bám sát địa bàn, sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, sơ tán triệt để, không được để người dân ở trên tàu thuyền, lồng bè, nhà cửa yếu và những khu vực nguy hiểm... Tập trung, triển khai cấp bách các giải pháp bảo đảm an toàn nhà cửa, công trình trường học, bệnh viện, trạm xá, trường mầm non... Khi bão đổ bộ khuyến cáo bà con không được ra ngoài, đồng thời sẵn sàng triển khai các giải pháp xử lý tình huống cấp bách, khắc phục hậu quả sau khi bão đi qua...

Trà Vinh cho toàn thể cán bộ toàn tỉnh nghỉ, ứng phó bão 16 từ trưa 25/12

Trưa 25/12, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã ký văn bản chỉ đạo, cho toàn thể cán bộ nhân viên của tỉnh nghỉ từ trưa 25 đến ngày 26/12 để chủ động ứng phó với cơn bão 16 - Tembin.

 Ông Kim Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh kiểm tra việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão ở thị trấn Định An huyện Trà Cú

Cán bộ nhân viên được nghỉ từ trưa nay (25/12) đến hết ngày mai để cùng gia đình ứng phó với bão, phòng các sự cố xảy ra. Tỉnh cũng tăng cường, huy động toàn bộ lực lượng có thể để ứng phó với bão. Chú ý phải sắp xếp và tăng cường lực lượng thường xuyên tại cơ quan, đơn vị đảm bảo công tác ứng phó với bão theo nhiệm vụ được giao, xử lý công việc khi có sự cố. Về nguyên tắc đồng ý cho công nhân làm việc tại doanh nghiệp đóng trên địa bàn có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão được nghỉ việc từ trưa 25/12 cho đến khi hết bão. 

Bến Tre mưa tầm tã trên diện rộng

Từ đêm 24/12 đến trưa 25/12/2017, toàn tỉnh Bến Tre có mưa trên diện rộng, có nơi mưa vừa, đặc biệt, 3 huyện biển có mưa to phổ biến vào khoảng 50 - 100mm,.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến sáng 25/12/2017, gần 4.000 tàu cá Bến Tre đều đã ở các bến an toàn.

Ngày 25/12/2017, UBND tỉnh Bến Tre có công văn chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp cấp bách ứng phó bão số 16.

Theo đó, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra do ảnh hưởng của bão số 16, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, đặc biệt đối với công tác vận động di dời người dân trong vùng nguy hiểm về nơi an toàn và di dời người dân tại chỗ, đang cư trú ở những ngôi nhà không an toàn có nguy cơ đổ sập sang những nơi an toàn cao, nhà kiên cố (phải hoàn thành trước 14 giờ ngày 25/12/2017).

 Sử dụng phương tiện xe gắn máy để di dời hộ dân đến nơi ở an toàn. Ảnh: T. Quốc/baodongkhoi.com.vn

Sau thời điểm này, nếu còn hộ gia đình, cá nhân nào thuộc các trường hợp cần phải di dời nhưng còn chần chừ hoặc không thực hiện thì triển khai áp dụng biện pháp cưỡng chế di dời. Các trường, các cấp, trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục đào tạo (bao gồm cả Phân hiệu Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tại Bến Tre, các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề, trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học) trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25/12 đến hết ngày 26-12-2017.

Các công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chủ động sắp xếp hoạt động sản xuất, kinh doanh để cho công nhân, lao động nghỉ làm việc từ chiều ngày 25-12 đến hết buổi sáng 26/12. Sắp xếp lực lượng trực đầy đủ để ứng cứu, xử lý tốt các tình huống do bão gây ra, bảo vệ an toàn tài sản cho đơn vị.

Trong đêm 25/12, các địa phương phải chủ động bố trí lực lượng tại chỗ để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản trong cơ quan, đơn vị và phân công lãnh đạo chủ chốt trực 24/24.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Bảo đảm không còn ai trên tàu khi bão vào

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Bình Châu, tính đến 10 giờ sáng 25/12, đã có 501 tàu cá/2.983 ngư dân vào neo đậu tại Khu neo đậu tránh, trú bão Bình Châu, trong đó có 476/2.873 ngư dân của xã Bình Châu.

 Ngư dân thu dọn lưới rập phòng bão tại Khu neo đậu tránh, trú bão Bình Châu (huyện Xuyên Mộc). Ảnh: Phương Nam/baria-vungtau.gov.vn

Chủ tịch UBND tỉnh - ông Nguyễn Văn Trình yêu cầu UBND huyện Xuyên Mộc, lực lượng chức năng theo dõi, kiểm đếm chặt chẽ số lượng tàu, thuyền của địa phương về neo đậu, cũng như còn hoạt động trên biển; không cho tàu, thuyền ra khơi; sắp xếp chỗ neo đậu tàu cá hợp lý, cũng như bảo đảm ANTT trong khu vực. Kiểm tra một số tàu còn có người, đồng chí Nguyễn Văn Trình yêu cầu lực lượng chức năng vận động, di dời lên bờ, bảo đảm không còn ai trên tàu khi bão vào.

TP Hồ Chí Minh: Học sinh nghỉ học 2 ngày
TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai các phương án khẩn cấp ứng phó bão Tembin, nhằm giảm thiểu hậu quả khi bão đổ bộ vào đất liền. Tất cả các đơn vị liên ngành được huy động trực chiến 24/24.
Trước đó TP đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị chức năng. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh có nhiệm vụ thông báo cho học sinh nghỉ học 2 ngày khi bão đổ bộ, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Điện lực Thành phố đảm bảo nguồn điện liên tục tại các bệnh viện nhằm đảm bảo công tác cứu nạn, cứu hộ và có các phương án dự phòng. 
 Công tác chuẩn bị đón bão 16 tại huyện Cần Giờ ( Ảnh: SGGP)
Các Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thông báo phối hợp với các doanh nghiệp đảm bảo an toàn nhà xưởng, tính mạng người lao động. Những khu vực có nguy cơ sạt lở cao như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức... phải chủ động phương án di dời đồ đạc, người dân đến địa điểm an toàn. Các công trình đang thi công yêu cầu phải ngưng hoạt động, phải có biện pháp xử lý kịp thời nếu xảy ra sự cố…

Cà Mau: Kiên quyết di dời dân đến nơi trú tránh an toàn

Được xác định là 1 trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 16, những ngày qua chính quyền tỉnh đã sát sao chỉ đạo, đôn đốc các địa phương vận động Nhân dân sống trên đê biển phía tây và khu vực rừng phòng hộ (thuộc diện di dời khẩn cấp) trên địa bàn thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời nhanh chóng di dời đến nơi trú tránh an toàn.

Đại tá Trương Ngọc Danh - Phó giám đốc Công an tỉnh Cà Mau, trực tiếp xuống địa phương chỉ đạo các tổ kiểm tra nếu vận động thuyết phục không được thì phải bắt buộc di dời. Đồng thời ghi rõ nhật ký hộ di dời, nhà có người thân đang còn đánh bắt ngoài, cắt điện toàn bộ các khu vực dân cư sống ngoài đê (sẽ khắc phục lại sau khi bão đi qua).

Theo ông Nguyễn Minh Cảnh - Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, qua thông tin được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, người dân đã ý thức chằng néo nhà cửa ngay từ chiều hôm qua và sáng sớm hôm nay. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị phương tiện sơ tán dân, tìm kiếm cứu nạn, dụng cụ y tế, thuốc men, các điểm trú bão… đã được thị trấn thực hiện xong.
 Người nuôi tôm thu hoạch tôm sớm hơn dự kiến để tránh thiệt hại. Ảnh: Báo Cà Mau.

Tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển hiện có số dân sinh sống ven biển trên khoảng 600 hộ, xã đã vận động được 550 hộ, gần 2.000 khẩu đã vận động sơ tán vào tránh trú an toàn, hiện số hộ dân chằng chống nhà cửa đạt khoảng 80%.

Ông Võ Công Trường - Chủ tịch UBND xã Đất Mũi thông tin: Hiện trên địa bàn xã còn khoảng 10% hộ dân chưa động thuận để di dời vào các khu vực được bố trí để phòng tránh bão. Xã đang tiếp tục cử cán bộ để vận động tuyên truyền, sau 13h30 trưa 25/12, xã tiến hành cưỡng chế theo quy định. Xã quyết tâm không để bất cứ hộ dân nào sống trong vùng trọng yếu, nhà không đảm bảo chắc chắn ở lại nhà ở.

Tàu hải quân cấp cứu ngư dân trong cơn bão số 16

Ngày 25/12, tàu 924 của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đang thực hiện nhiệm vụ trực cứu hộ, cứu nạn trong cơn bão số 16 (bão Tembin) tại khu vực sông Ngã Bảy gần Mũi nước vận (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhận được tin báo tàu BV 98789TS có ngư dân trong tình trạng nguy kịch với biểu hiện: Khó thở, tức ngực, nôn ói...

Nhận được tin báo, tàu 924 nhanh chóng cơ động đón cấp cứu bệnh nhân, sau khi được các Bác sĩ Quân y trên tàu hồi sức cấp cứu, đến nay bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và vẫn tiếp tục chữa trị, truyền nước và điều trị.

 Anh Trương Thành Vũ đang được bác sĩ chăm sóc (Ảnh: sggp.org.vn)

Được biết, tàu BV98789TS do ông Nguyễn Minh Tuấn làm tài công đang trên đường tránh bão đi từ khu vực Hòn Đồ về Vũng tàu, trên tàu có 15 thuyền viên, người gặp nạn là Trương Thành Vũ (sinh năm 1981, quê ở Bình Ân - Gò công - Tiền Giang).

Ngoài ra tàu 924 còn chữa trị cho anh Võ Văn Kháng (46 tuổi), vết thương nhiễm trùng 1/3 trên xương cẳng chân phải.

Đảo Trường Sa: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bà con

Trước đó, vào đêm qua (24/12) bão Tembin đã quần thảo trên quần đảo Trường Sa. Đến 7h sáng 25/12, gió đã giảm xuống cấp 5, cấp 6. Sóng biển cao 2 - 3 m, trời không mưa.

Thống kê thiệt hại ban đầu, tại đảo Tiên Nữ, Trường Sa Đông, Trường Sa, Phan Vinh, Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lát, An Bang gần 80 tấm pin năng lượng mặt trời bị gió cuốn mất.

Tại đảo An Bang, đảo Trường Sa, hơn 90% cây cối bị gãy. Một số téc nước sinh hoạt bị bật nắp, hệ thống vườn, chuồng trại tăng gia ở các đảo bị sập đổ gần như hoàn toàn.
 Ảnh: Đào Phương Chi.
 Ảnh: Đào Phương Chi.
“Về con người, các lực lượng hải quân đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bà con. Hơn 45 tàu cá ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và hơn 240 ngư dân ở các tàu cá được đưa lên bờ, đảm bảo tránh trú an toàn, chăm sóc y tế, tạo điều kiện nơi ở, cấp cấp nhu yếu cần thiết”, đại diện Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân thông tin.

Tại các nhà giàn trên biển, gió và sóng lớn đã đánh bay cầu thang, chuồng chăn nuôi, trạm Viettel... của 1 số DK cũ. Nhưng may mắn là nhà và người đều an toàn, thiệt hại được giảm thiểu ở mức thấp nhất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần