Bão số 3 nhanh chóng suy yếu khi vào đất liền, các tỉnh Bắc Trung Bộ mưa rất to

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đêm 18/7, bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Do ảnh hưởng của bão, từ chiều và đêm qua ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to (70 - 130mm)...

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng

Sau khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, bão số 3 đã nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Vào lúc 4h sáng nay (19/7) vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 105,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 8 - 9.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 16h ngày 19/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão, từ chiều và đêm qua ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa to đến rất to (70 - 150mm), như Yên Khương 40mm, Yên Thành 60mm, Hồng Sơn 90mm, Thanh Hương 60mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng vùng trũng thấp, đặc biệt là các huyện: Con Cuông, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An); Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa).

Ở ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Hà Tĩnh đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8; riêng đảo Hòn Ngư có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Tĩnh Gia, Ngọc Trà (Thanh Hóa) có gió giật cấp 9.

Theo dự báo, từ nay đến ngày 21/7, ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, riêng ngày 19 - 20/7, ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có mưa rất to.
Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 3.

Thanh Hóa: Ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi

Vào hồi 22h30 ngày 18/7, thông tin tới báo chí qua điện thoại, ông Nguyễn Trọng Hải - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết: Bão số 3 không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh, thời điểm hiện tại (22h30, 18/7 - PV), khu vực TP Thanh Hóa và một số huyện lân cận, lượng mưa đã giảm, tuy nhiên khu vực huyện Tĩnh Gia trở vào vùng tiếp giáp tỉnh Nghệ An vẫn đang xảy ra mưa lớn.

Cũng do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới trước đó, từ ngày 17/7 đến nay các địa phương trong tỉnh liên tục phải hứng chịu những cơn mưa vừa, mưa to đến rất to, dẫn đến tình trạng ngập lụt cục bộ tại nhiều nơi.

Trước khi bão vào, toàn tỉnh Thanh Hóa có 4 nhà dân bị đổ sập (ở các huyện Tĩnh Gia, Yên Định, Như Thanh và Vĩnh Lộc). Mưa lớn cũng đã khiến 465 nhà dân ở huyện Tĩnh Gia bị ngập nước; có 9.617,75ha lúa bị ngập nước, sạt lở 493m kênh mương và 108,95ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị tràn.

Ngoài ra, tại một số vị trí ở các tuyến đường như quốc lộ 15C, 217, tỉnh lộ 114 (từ cầu Thiều đi Thượng Ninh), tỉnh lộ 521D (thị trấn Mường Lát đi Mường Lý) đã xảy ra hiện tượng sạt ta luy.
Nghệ An mưa lớn, nhiều tuyến đường ngập nước
Tại Nghệ An, ngày từ chiều 18/7, nhiều nơi có mưa lớn kèm theo gió giật mạnh. Từ thời điểm 21h tối ngày 18/7 nhiều nơi mất điện do mưa to, gió lớn. Hiện tại, một vài tuyến đường ở thành phố Vinh bị ngập nước. 

Trước đó, Nghệ An đã thực hiện cấm biển không cho tàu thuyền ra khơi từ 22h ngày 17/7. Tính đến 5h30 ngày 18/7 có 3.767 phương tiện đã neo đậu tại bến, 101 phương tiện neo đậu tại địa bàn khác; hiện các huyện ven biển và một số huyện miền núi đang triển khai kế hoạch di dời dân, dự kiến di dời 3.680 hộ/15.912 người, chủ yếu di dời tại chỗ.
Ngay trong đêm 18/7, hàng chục công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Nghệ An khẩn trương lắp đặt hệ thống máy bơm thoát nước, tránh ngập úng khu vực chợ Vinh trước khi bão số 3 đổ bộ.
Mưa lớn gây ngập ở TP Vinh (Nghệ An) chiều tối 18/7. Ảnh: Nguyễn Hiếu

Để ứng phó với cơn bão số 3, hiện nay, các tiểu thương tại chợ Vinh đã kê cao hàng hóa, che chắn các ki ốt, một số tiểu thương đã chuyển hàng hóa về nhà cất trữ; tránh thiệt hại về tài sản khi bão đổ bộ.

Trước đó, trận lụt lịch sử vào tháng 10/2017, nhiều tiểu thương chợ Vinh đã bị thiệt hại nặng nề. Bởi vậy, trong mùa mưa bão năm nay, công tác chống ngập úng tại chợ Vinh được tỉnh Nghệ An và TP. Vinh đặc biệt chú trọng.
Trong khi đó, tại Thanh Hóa, mưa to bắt đầu từ tối ngày 18/7 kèm theo những cơn gió mạnh. Cộng tác viên của Báo Kinh  tế & Đô thị tại Thanh Hóa cho biết, mưa bắt đầu từ chiều tối và ngày càng nặng hạt hơn.
Tại Sầm Sơn, từ chiều 18/7, nhiều thuyền bè được đưa lên các con đường nhựa, cạnh các khách sạn để tránh bão.
Theo thông tin từ Báo Thanh Hóa, ngư dân tại TP Sầm Sơn đã dùng sức người và máy kéo hàng trăm bè, mảng lên khu vực đường Hồ Xuân Hương, tuyến đường huyết mạch chạy qua khu du lịch biển Sầm Sơn để tránh bão.
Thuyền bè của ngư dân TP Sầm Sơn được đưa lên đường tránh bão. (Ảnh: Báo Thanh Hóa)
Lốc xoáy tốc mái 13 nhà dân ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Tại Hà Tĩnh, Công tác viên của Báo Kinh tế & Đô thị thông tin về cho biết, nhiều nơi có mưa như ở huyện Nghi Xuân, Thành phố Hà Tĩnh, huyện Can Lộc, Đức Thọ... khiến đời sống của người dân cũng như tình hình giao thông rất khó khăn.
Vào khoảng 21h tối 18/7, một trận lốc xoáy xảy ra tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh khiến nhiều nhà tốc mái, cây gãy đổ bên đường. 
Theo tin từ Báo Hà Tĩnh, trận lốc xoáy quét qua thôn 2, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân rất nhanh, tốc mái 13 ngôi nhà trong thôn. Rất may không xảy ra hậu quả đáng tiếc về người. Hiện 13 hộ dân nói trên đã rời khỏi nhà đến nơi tránh trú bão số 3 an toàn.
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân đã đến động viên, thăm hỏi những gia đình bị nạn đang tránh trú bão số 3. Ảnh Báo Hà Tĩnh
Thái Bình mưa to, sạt lở đê tại Tiền Hải
Tại Thái Bình, do ảnh hưởng của bão, ở Thái Bình đã có gió giật cấp 7, ở đảo Hòn Ngư gió giật cấp 7. Nhiều nơi trên địa bàn tỉnh có mưa lớn. 

Do ảnh hưởng của mưa lớn cộng với triều cường, khoảng 350m đê phía trong đồng tại tuyến đê biển số 5 đoạn qua địa phận xã Nam Phú (Tiền Hải) đã bị sạt lở. Ngay trong ngày 18/7, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ CHQS tỉnh đã được huy động, phối hợp với huyện Tiền Hải khẩn trương khắc phục sự cố trên.

Để xử lý sự cố trên, các ngành chức năng, huyện Tiền Hải đã huy động 2.300 cọc tre loại dài 4m, 210 cây tre, 1.200m3 đất, 80m2 phên nứa…

Đến 21 giờ ngày 18/7, các điểm sạt lở trên đã được xử lý bằng biện pháp đóng cọc tre, chèn phên nứa, đắp đất xử lý cấp bách sự cố, không để diện tích sạt lở mở rộng. Dự kiến việc khắc phục sự cố trên sẽ hoàn thành trước 10 giờ ngày 19/7.

Khắc phục sự cố sạt lở tuyến đê biển số 5 đoạn qua địa phận xã Nam Phú (Tiền Hải). Ảnh: Báo Thái Bình
Nguy cơ sạt lở đất tại Hòa Bình

Tối 18/7 tại khu vực huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Kim Bôi của tỉnh Hòa Bình đang có mưa rất to. Lượng mưa đo được từ 22h-23h tại Yên Thủy: 30mm; Lạc Thủy 24mm; Lạc Sơn: 14.2mm; Nhận định trong 2-3h tới khu vực tỉnh Hòa Bình tiếp tục có mưa rào và dông, lượng mưa phổ biến 40 - 60mm.

 Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo trong 3-6 giờ tới, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra ở các huyện thuộc tỉnh Hòa Bình như: Tân Lạc, Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy.

Tại Hà Nội, do ảnh hưởng bão Sơn Tinh, tối 18/7, Hà Nội đang hứng chịu những cơn mưa nặng hạt khiến cho giao thông thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Dự báo, từ nay đến ngày 19/7, Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Trong cơn dông có khả năng rất cao xảy ra tố, lốc và gió giật mạnh. 
Tại Quảng Ninh, tối 18/7 có mưa nhỏ, kèm theo gió rất mạnh. 
* Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 3, từ chiều và 18/7 nay ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã có mưa vừa đến mưa to (30-70mm), ở Thái Bình đã có gió giật cấp 6, ở Hoành Sơn có gió giật cấp 10, ở đảo Hòn Ngư gió giật cấp 7.
Hồi 22 giờ ngày 18/07, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 106,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo: Trong 3-6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, 20 - 22km/h, hướng đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. 
Tối 18/7, Hà Nội hứng chịu những cơn mưa nặng hạt 
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km; trong tối và đêm nay (18/7), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.
Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7m; sóng biển cao 2-4m; biển động rất mạnh.
Ảnh mây vệ tinh chụp thời điểm 22h20 ngày 18/7. Ảnh Nchmf.
Trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp 3. Ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20/7 (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần