Bão số 4 giật cấp 17, tiến nhanh về phía Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi

Văn Sinh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, vào 4 giờ sáng nay (25/9), vị trí tâm bão số 4 (NORU) ở khoảng 15,0 độ Vĩ Bắc; 124,1 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippine) 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/giờ), giật cấp 17.

Cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông. Đến 4 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 119,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 850km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14.

Vị trí và đường đi của bão số 4
Vị trí và đường đi của bão số 4

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 13,0 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và có xu hướng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 260km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 25-30km. Đến 4 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, trên đất liền Thừa Thiên Huế-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/giờ), giật cấp 13.

Do ảnh hưởng của bão, từ khoảng chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao từ 5,0-7,0m; biển động dữ dội.

Trong 72 đến 96 giờ, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 20-25km/h, cường độ suy yếu dần.

Ngày 24/9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã tổ chức họp trực tuyến thảo luận về diễn biến cơn bão số 4 và tình hình mưa lớn, lũ ở miền Trung. Qua đó nhận định NORU là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn, còn phức tạp khi đi vào Biển Đông. Các cơ quan Trung ương về phòng, chống thiên tai liên tiếp ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó.

Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Cảng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Không lơi là, chủ quan

Ở khu vực miền Trung, các địa phương cũng đã có những chỉ đạo để ứng phó với cơn bão này.

Từ sáng 24/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng có Công điện đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP và Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời đến các chủ tàu đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh; kêu gọi tàu thuyền khẩn trương vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu tránh trú bão Âu thuyền Thọ Quang; khẩn trương di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ.

Tại Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh này cũng ban hành Công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão Noru.

Trong đó yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn. Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.

Ở Thừa Thiên Huế, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến đường đi của bão, mưa lũ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Hue-S, Facebook, Website của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh). Không lơi là, chủ quan, trước mọi tình huống thiên tai.