|
Đường đi và vị trí áp thấp nhiệt đới. Ảnh Nchmf |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn, hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên bờ biển các tỉnh từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 70km.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 5 - 10km, đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9; sau đó suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 26/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở ngay trên khu vực biên giới các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Tại TP Hồ Chí Minh: Chiều và đêm nay (25/11) có mưa to đến rất to (100 - 200mm) và có khả năng xảy ra lốc xoáy. Nguy cơ rất cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 9, ở vùng biển từ Nam Bình Thuận đến Bến Tre chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8. Biển động. Sóng trên biển cao từ 2 - 4m.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, ở Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre chiều và tối nay có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh và khả năng lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ.
|
Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường tại TP Vũng Tàu ngập sâu. Ảnh: Mạnh Thắng |
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau suy yếu thành vùng áp thấp, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 250mm; khu vực Bắc Tây Nguyên và Tây Nam Bộ có mưa to 50 - 100mm.
Từ đêm nay (25/11) đến đêm 27/11, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động của đới gió Đông nên có mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: Các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50 - 80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80 - 150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100 - 200mm/ngày).
Cảnh báo lũ: Từ nay đến 28/11, trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận phổ biến ở mức báo động 2 - báo động 3, các sông nhỏ lên trên báo động 3; các sông ở khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 1 - báo động 2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 2 - 3.
Không chủ quan với bão số 9 và tình hình mưa lũ sau bãoSáng 25/11, Văn phòng thường trực BCĐ TW về PCTT đã họp chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 9 và tình hình mưa lũ sau bão do ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chánh văn phòng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì.
Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Giao thông, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Phòng chống thiên tai) đã báo cáo công tác chỉ đạo ứng phó với bão, kiểm đếm đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè, hồ chứa. Mặc dù bão chưa đổ bộ vào đất liền nhưng đã có một số thiệt hại ban đầu về tàu thuyền, lồng bè của người dân tại tỉnh Bình Thuận.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh không được chủ quan với bão số 9, đồng thời đề nghị cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông tới người dân để tránh tư tưởng chủ quan, gây thiệt hại đáng tiếc.
Đối với việc ứng phó với mưa lớn do bão số 9 tại các tỉnh khu vực Trung bộ và Tây Nguyên, Văn phòng BCĐ TW về PCTT đã có văn bản gửi tới các địa phương đề nghị triển khai thực hiện một số nội dung sau: Kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước xung yếu. Tổ chức thường trực và vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất; tăng cường thông tin truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là ở tuyến cơ sở để người dân biết, chủ động ứng phó.
Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc.