Bảo tàng đổi mới để hút khách
Kinhtedothi - Bảo tàng là thiết chế văn hóa quan trọng, cung cấp không gian trải nghiệm sinh động cho công chúng hiểu rõ hơn lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc cũng như lịch sử phát triển của các ngành, lĩnh vực. Hòa nhịp trong dòng chảy kỷ nguyên số với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ trưng bày cùng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của công chúng đương đại, đòi hỏi các bảo tàng phải đổi mới tư duy, cách làm để có thể trụ vững và hút khách.
Bài 1: Những điểm đến hấp dẫn du khách
Không còn “đóng khung” trong những không gian trưng bày đơn điệu, khô cứng, nhiều bảo tàng đã đổi mới cách trưng bày, ứng dụng công nghệ truyền tải đa giác quan và đa dạng hóa hoạt động, trở thành những điểm đến hấp dẫn khách tham quan.
Giải mã “cơn sốt” Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam
Dù mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn, song Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thời gian qua đã trở thành một trong những địa điểm hút khách bậc nhất Thủ đô, thậm chí nhiều thời điểm còn xảy ra tình trạng quá tải, nhất là dịp lễ, Tết. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ năm 2019, trên diện tích 386.600m2. Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia gồm hai máy bay MIG-21 (số hiệu 4324, 5121), xe tăng T54B (số hiệu 843) và bản đồ Quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh cùng nhiều hiện vật quý.
Chính thức mở cửa đón khách tham quan từ 1/11/2024 và miễn phí cho người dân trong giai đoạn đầu, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam ngay lập tức trở thành địa điểm “gây sốt” phủ sóng khắp mạng xã hội. Chỉ trong hai ngày đầu mở cửa, bảo tàng đón 25.000 - 30.000 lượt khách, một con số vô cùng ấn tượng với một bảo tàng tại Việt Nam. Điều đáng nói, sau khi áp dụng thu phí tham quan với mức 40.000 đồng/người/lượt từ ngày 12/4/2025, lượng khách đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vẫn rất đông.
Anh Đoàn Hải Long (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ, sau nhiều lần “né” thời gian miễn phí vé hay dịp nghỉ lễ, vợ chồng anh mới đưa con đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam chơi nhưng đến nơi vẫn phải xếp hàng dài chờ mua vé vào tham quan. “Tuy nhiên, cậu con trai tôi rất hào hứng vì được tận mắt chứng kiến nhiều mẫu máy bay, xe tăng, vũ khí quân sự… Hơn nữa, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam được thiết kế hiện đại, kết hợp nhiều công nghệ trưng bày tương tác như sa bàn 3D, thuyết minh bằng phim, công nghệ trình chiếu âm thanh ánh sáng, tra cứu thông tin bằng mã QR, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách” - anh Đoàn Hải Long chia sẻ.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: Thiên Tú
Thượng tá Nguyễn Thành Lê - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, theo thống kê, bình quân mỗi một ngày bảo tàng mở cửa đón 20.000 lượt khách tham quan.
“Mục tiêu đầu tư của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đặt ra rất lớn, không chỉ là một thiết chế văn hóa đa năng đặc biệt quan trọng của quân đội và Thủ đô - nơi lưu giữ, trưng bày toàn bộ giá trị lịch sử văn hóa quân sự Việt Nam từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến nay, mà đây còn trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục công chúng cũng như tham quan, học tập, vui chơi giải trí. Đến thời điểm bây giờ, mục tiêu đặt ra của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn thành” - thượng tá Nguyễn Thành Lê chia sẻ.
Nói thêm về sức hút của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết là bảo tàng có kiến trúc rất độc đáo, đẹp và hiện đại. Thứ hai, bảo tàng cũng bước đầu xây dựng được không gian trưng bày, tương tác gần gũi, thân thiện hơn với công chúng và có nhiều không gian trải nghiệm hơn so với địa chỉ cũ của bảo tàng tại khu vực Cột cờ Hà Nội.
Thực tế, kiến trúc độc đáo của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam từng “gây sốt” trên các mạng xã hội. Bảo tàng mang tính biểu tượng với ý tưởng độc đáo, khai thác hợp lý đặc trưng văn hóa và lịch sử chống ngoại xâm của người Việt Nam với truyền thuyết về "nỏ thần An Dương Vương". Điều này làm tăng thêm giá trị giáo dục về sự tri ân và lòng yêu nước của người Việt. Điểm nhấn phía trước tòa nhà là Tháp Chiến thắng cao 45m với hình ngôi sao năm cánh được xếp chồng nhiều lớp, tượng trưng cho năm 1945, dân tộc Việt Nam giành được độc lập.
Tại Lễ trao Giải thưởng Kiến trúc quốc gia lần thứ lần thứ 16 (2024 - 2025) tối 20/5 vừa qua, công trình Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã vinh dự được trao Giải thưởng Lớn. KTS Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng khẳng định, đây là một ghi nhận xứng đáng với sáng tạo kiến trúc hiện đại, hội nhập quốc tế nhưng vẫn phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc.
Đa dạng hóa hoạt động, gia tăng trải nghiệm
Cùng với Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, thời gian qua, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội… cũng là những cái tên thu hút khách tham quan.
Nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia Việt Nam, trực thuộc Bộ VHTT&DL, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) được đánh giá là một trong những bảo tàng có vị trí quan trọng nhất trong việc lưu giữ và phát huy kho tàng di sản văn hóa nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đến nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã sưu tầm, lưu giữ được một khối lượng gần 20.000 hiện vật, tác phẩm mỹ thuật có giá trị, phản ánh được cơ bản lịch sử phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam, một nền mỹ thuật lâu đời, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc; thu hút trên 150.000 lượt khách tới tham quan mỗi năm.
Đáng chú ý, thời gian qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động như thuyết minh tự động đa phương tiện iMuseum VFA (audio, photo, text) trợ giúp người dùng tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đặc biệt, năm 2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lần thứ 2 đón nhận giải thưởng Đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc với Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến - VAES.
TS Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, Không gian triển lãm mỹ thuật số này giúp thu hẹp khoảng cách về địa lý, thời gian, cho phép người dùng tiếp cận, tham quan các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật từ mọi nơi trên thế giới một cách dễ dàng, thuận tiện. Bên cạnh đó, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn ứng dụng 3D mapping mang lại trải nghiệm mới mẻ, thú vị, giúp người xem như hòa mình vào cùng tác phẩm nghệ thuật…
Trích dẫn
Hiện nay, công chúng ngại đọc sách lịch sử, nhất là những cuốn sách dày. Họ chỉ muốn đi xem các tư liệu, hiện vật. Đây là một xu hướng không thể ngăn cản được. Khi đến bảo tàng, công chúng không chỉ được tận mắt thấy các tư liệu, hiện vật, thêm hiểu biết về lịch sử mà còn có cơ hội trải nghiệm, check-in những tấm ảnh đẹp. Hiện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đang đi theo đúng xu hướng này.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Hay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một mô hình thành công trong việc thu hút du khách khi tập trung xây dựng một không gian trải nghiệm văn hóa sống động. Theo đó, ngoài không gian trưng bày đặc trưng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam còn thiết kế nhiều hoạt động giáo dục như Phòng Khám phá dành cho trẻ em tại tầng 1 tòa Cánh Diều. Đây là nơi để trẻ em đến vui chơi, tìm hiểu, khám phá về văn hóa các dân tộc ở Việt Nam như trải nghiệm làm sản phẩm thủ công, phơi rơm, sàng sảy thóc… Hay Phòng Đa phương tiện với các trải nghiệm về âm nhạc dân tộc, hát dân ca, tìm hiểu phim dân tộc học…
Với các chương trình giáo dục đa dạng, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phục vụ nhiều đối tượng khác nhau, từ học sinh, sinh viên đến các nhà nghiên cứu và du khách quốc tế. Bởi vậy, Bảo tàng này luôn nằm trong tốp bảo tàng đông khách nhất Việt Nam với bình quân 33.000 lượt khách tham quan/tháng trong năm 2023 và năm 2024 Bảo tàng đón 460.000 lượt khách tham quan, có ngày bảo tàng này đã đón hơn 11.000 lượt khách…
Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) hiện đang lưu giữ và bảo quản khoảng 200.000 hiện vật, tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam, trong đó có nhiều sưu tập quý hiếm vào bậc nhất so với các bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực. Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn cho biết, thời gian qua, Bảo tàng đã ứng dụng linh hoạt công nghệ trong hoạt động chuyên môn, phát triển thêm hình thức hoạt động online, tổ chức đồng thời các hoạt động trưng bày, chương trình giáo dục, hoạt động trải nghiệm khám phá tại bảo tàng…
Theo thống kê, năm 2024, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức thành công 683 chương trình giáo dục, trải nghiệm cho 42.064 học sinh. Lượt khách tham quan trong năm 2024 là trên 220.000 lượt, lượng truy cập bảo tàng ảo 3D đạt hơn 62.700 lượt…
Trích dẫn
Để thu hút khách tham quan, yếu tố quan trọng là biến bảo tàng trở thành địa chỉ quen thuộc, tạo thói quen cho du khách đến đây hằng tháng, thậm chí hằng tuần. Bảo tàng không chỉ ứng dụng công nghệ để số hóa hiện vật mà còn biến công nghệ số thành công cụ hỗ trợ giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của thế hệ trẻ, mở ra cơ hội kết nối và khám phá lịch sử Việt Nam một cách sáng tạo, hiện đại.
Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan
(Còn nữa)

Chính thức bổ sung Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam vào quy hoạch
Kinhtedothi - Dự án Bảo tàng Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều bảo tàng miễn phí vé tham quan nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5
Kinhtedothi – Nhân Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, trong ngày hôm nay, nhiều bảo tàng đã có chính sách miễn phí vé tham quan cùng nhiều hoạt động hấp dẫn phục vụ du khách.

Mở cửa miễn phí các bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh ngày 19/5
Kinhtedothi - Chào mừng 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), 114 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2025) và hưởng ứng Ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5, các bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh sẽ mở cửa miễn phí ngày 19/5, kèm theo nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm và giáo dục di sản nhằm tưởng nhớ Bác Hồ và lan tỏa giá trị lịch sử – văn hóa đến cộng đồng.