Bảo tồn Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối: Dần tìm được tiếng nói chung

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ý tưởng bảo tồn khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức) không chỉ nóng lên sau lá thư kêu cứu của PGS.TS Nguyễn Văn Huy gửi đến Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Mà sau khi Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội ghi tên ý tưởng này, cũng là lúc nhà đầu tư, nhà khoa học và Nhân dân dần tìm được tiếng nói chung để cùng hướng đến tái hiện “ngôi nhà chung” của các công dân đầu tiên ở Hà Nội cách đây 3.500 năm.

Người dân khẩn thiết giữ di sản
Cuối tuần qua, tại thôn Lai Xá đã diễn ra Hội nghị giới thiệu về di chỉ khảo cổ học khu vực Vườn Chuối với sự tham gia của các nhà nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học và bà con thôn Lai Xá. Tại đây, người dân Lai Xá bày tỏ mong muốn giữ gìn di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng thôn Lai Xá Nguyễn Doãn Quang cho biết: “Chúng tôi rất muốn giữ lại di chỉ Vườn Chuối cho con cháu sau này. Vì đất đã giao cho công ty làm dự án nên chúng tôi mong UBND TP, các nghiên cứu sớm có phương pháp để bảo tồn di tích này”.
 Khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức. Ảnh: Linh Anh
Với vai trò là người viết đơn kêu cứu lên lãnh đạo TP Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Huy bày tỏ: “Sau 8 lần khai quật, các nhà khoa học đã xác định di chỉ Khảo cổ học Vườn Chuối có niên đại cách đây 3.500 năm. Hiện nay, Hà Nội có rất ít di chỉ khảo cổ học có lịch sử sâu xa như vậy. Ngoài Vườn Chuối chỉ có một số di chỉ như bải Mèn ở Cổ Loa (Đông Anh) được khai quật”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, di tích Vườn Chuối đang đứng trước nguy cơ “biến mất” khi toàn bộ phần đất của di tích đã được chính quyền giao cho Tổng Công ty CP Thương mại - Xây dựng Việt Nam (Vietracimex) để xây dựng khu đô thị Kim Chung - Dạ Trạch và quy hoạch vào dự án Thăng Long 9. Bên cạnh đó, PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết, từ năm 2014 trở về trước, tình trạng trộm cổ vật ở đây rất nghiêm trọng khi những người đào trộm hoạt động về đêm khiến người dân không thể bảo vệ được di chỉ. Ông Đặng Tích (xóm 1, thôn Lai Xá) cũng đã viết cuốn sách “Đất và người Lai Xá” gửi đến các nhà quản lý, nhà khoa học với nội dung mong muốn cơ quan chức năng khẩn cấp cứu di chỉ Vườn Chuối. “Giới khảo cổ, các nhà khoa học và cộng đồng địa phương đều nâng niu và trăn trở với những gì diễn ra ở khu Vườn Chuối” – PGS Huy nhấn mạnh.

Dự kiến năm 2019 sẽ khai quật thám sát

Mới đây Sở VH&TT Hà Nội cùng các nhà khoa học đã đi thực địa, đánh giá lại tình hình và đề xuất thống nhất phương án bảo tồn, khảo cổ học lên UBND TP trong năm 2019. “Trong khảo sát gần đây, các nhà khoa học đã xác định được một số vị trí khai quật thám sát để xác định được những phạm vi phân bố của người cổ. Trong đó, chúng tôi sẽ khai quật 200m2 ở khu đỉnh của gò (khu vực đậm đặc di tích), những hố khác sẽ đào ở rìa vì ngày xưa cư dân cổ sinh sống không ở 1 chỗ, 1 làng, mà có thể có những làng nhỏ xung quanh. Sau khi khảo sát, chúng tôi sẽ thống nhất với chủ đầu tư về phương pháp, thời gian khai quật. Dự kiến đầu năm 2019 sẽ tiến hành khai quật thám sát” - GS Lâm Thị Mỹ Dung cho biết.

Cần nhắc lại, ý tưởng bảo tồn khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối vừa được giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội 2018. Tuy bức thư của PGS.TS Nguyễn Văn Huy chỉ là khởi đầu cho việc bảo tồn sau này và hướng đến là một công viên di sản tại đây. Theo các nhà khoa học đã đi khảo sát tại di chỉ khảo cổ học vườn chuối, trong bản vẽ thiết kế của Khu đô thị Kim Chung – Dạ Trạch có nhiều điểm dành cho khu vui chơi, sân tập luyện thể dục thể thao. Do vậy, sẽ nghiên cứu, đề xuất với TP Hà Nội, chủ đầu tư bảo vệ di chỉ, hiện vật bằng cách làm một bảo tàng nhỏ tại di tích. “Trong tương lai, cần xây dựng công viên di sản Vườn Chuối là quần thể kết hợp cây xanh với những ngôi nhà nhỏ nhưng hiện đại, trưng bày một cách hấp dẫn về dấu tích cư dân đầu tiên của Hà Nội” – PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ về giấc mơ tái hiện “ngôi nhà” của những “công dân đầu tiên” tại Hà Nội.