Nhiều người cho rằng, sự phát triển du lịch đã và đang tác động tiêu cực đến các di sản. Bà nhận định thế nào về vấn đề này?
- Theo tôi, du lịch vừa tác động tích cực, vừa ảnh hưởng tiêu cực đến di sản. Thực tế, rất nhiều di sản, khu di tích nếu không có tiền thu từ việc bán vé tham quan thì công việc bảo tồn khó được thực hiện. Mặt khác, nhờ có du lịch, những nét đẹp văn hóa vật thể và phi vật thể mới sống lại và được bảo tồn. Đồng thời, du lịch góp phần tăng cường đối thoại, trao đổi giữa các nền văn hóa, quốc gia, khu vực. Tuy nhiên, cũng bởi du lịch, ý thức kém của một số du khách làm di sản xuống cấp nhanh hơn, như việc khách leo lên những khu tháp đã nhiều năm tuổi; hay rác thải, dầu máy ở vịnh Hạ Long…
Đối với những di sản phi vật thể, do cộng đồng phải tiếp đón quá nhiều đoàn khách du lịch khiến họ thay đổi hành vi, tập quán để đáp ứng nhu cầu của khách. Chính điều này đã làm thay đổi bản chất của di sản. Hoặc, cái lợi từ du lịch cũng có thể khiến cộng đồng dân tộc đánh mất bản sắc, như câu chuyện đồng bào dân tộc ở Sa Pa. Ngoài ra, du lịch cũng gây ra những mâu thuẫn giữa các bên tham gia nếu không phân chia lợi ích công bằng. Cho nên, muốn khai thác lâu bền các giá trị của di sản, nhất thiết phải thực hiện du lịch có trách nhiệm.
Như vậy, muốn bảo tồn các giá trị của di sản cần phải thực hiện du lịch có trách nhiệm. Trong đó, ý thức của du khách và các DN lữ hành giữ vai trò then chốt?
- Bản chất của du lịch có trách nhiệm là phải đưa vấn đề bảo tồn lên hàng đầu, phải chia sẻ lợi ích công bằng, đóng góp cho di sản thông qua mua vé và có sự phối hợp công – tư – cộng đồng. Trong đó, DN và du khách giữ vai trò quyết định. Năm ngoái, nhiều du khách, DN kêu ca việc phải mua vé vào Hội An, do không hiểu số tiền bán vé sẽ được dùng để trùng tu hàng trăm ngôi nhà cổ mà họ đang đến xem. Sau khi chính quyền Hội An giải thích thấu đáo cho DN, họ đều đồng thuận và cam kết sẽ thông tin đến du khách, kêu gọi du khách mua vé. Đây là một ví dụ nhỏ, nhưng tôi muốn nêu ra vai trò quan trọng của các DN trong việc kết nối giữa du khách và địa phương, cũng như việc thực hiện du lịch có trách nhiệm.
Vậy đâu là “lời giải” để DN và du khách thể hiện trách nhiệm với di sản nói riêng, điểm đến nói chung, thưa bà?
- Trong bối cảnh hiện nay, tôi xin đưa ra 2 giải pháp cơ bản nhất. Đầu tiên, phải chia sẻ lợi ích, đảm bảo sự tham gia đồng đều của tất cả các bên. Bởi lẽ, hiện nay, nhiều nơi du lịch rất phát triển, nhưng cộng đồng địa phương chưa được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít. Lợi ích chủ yếu thuộc về các DN, thậm chí là DN ở ngoài nước hay các DN lớn ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chứ không phải các DN tại địa phương.
Cho nên, cộng đồng, đặc biệt là các làng nghề cần được hỗ trợ để họ làm ra các sản phẩm phục vụ du lịch; hoặc có những chính sách đào tạo cho người dân địa phương làm công tác quản lý cho DN chứ không phải chỉ là làm thuê... Đối với du khách, phải làm sao để họ thay đổi nhận thức, có những hành động thiết thực tại điểm đến.
Nhiều DN đã nghĩ đến những sản phẩm du lịch như dạy tiếng Anh cho người bản địa, hỗ trợ về môi trường, rác thải… Bởi nhiều du khách rất muốn tham gia các hoạt động này nhưng họ không có những kênh liên hệ để được hoạt động. Còn đối với những “thượng đế” không có nhiều thời gian, những việc làm đơn giản như: Mua sản phẩm của địa phương; thuê hướng dẫn viên du lịch là người bản địa; ăn, nghỉ ở nhà hàng của địa phương… chính là cách họ thể hiện trách nhiệm với di sản nói riêng, điểm đến nói chung.
Xin cảm ơn bà!
Du khách tham quan Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Phạm Hùng
|