Bảo trì thang máy - không thể lơi là

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, tại Hà Nội đã xảy ra sự cố thang máy khiến cho một người bị tử vong. Tai nạn đáng tiếc này khiến người dân lo lắng về chất lượng, đặc biệt là công tác bảo trì thang máy tại các chung cư nói riêng và tòa nhà cao tầng nói chung.

Bảo trì thang máy - không thể lơi là - Ảnh 1
Câu hỏi đặt ra là quy trình và những việc cần phải làm để đảm bảo an toàn cho quá trình vận hành, sử dụng thang máy. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tú - Kỹ sư trưởng tòa nhà 18 Láng Hạ (Hà Nội) - Công ty CP Quản lý và khai thác tài sản Dầu khí (PSA) - về kinh nghiệm trong vấn đề này.

Xin ông cho biết vận hành và bảo trì thang máy trong các tòa nhà cần phải tuân thủ quy trình như thế nào?

- Việc vận hành và bảo trì thang máy trong các tòa nhà được yêu cầu hết sức nghiêm ngặt, được cụ thể bằng các quy định, quy trình nhằm mục đích vận hành đảm bảo an toàn và xử lý, ngăn ngừa được các sự cố trong quá trình vận hành. Thang máy chỉ được phép vận hành khi đã được kiểm định kỹ thuật an toàn của đơn vị có chức năng kiểm định kỹ thuật an toàn. Người vận hành phải phải có chuyên môn, được đào tạo và tập huấn cứu hộ an toàn thường xuyên... Quy trình bảo trì được áp dụng đối với các thang máy tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư... định kỳ 1 lần/tháng với các công đoạn như kiểm tra chức năng, căn chỉnh, vệ sinh, bôi trơn và thay thế thiết bị nếu cần thiết.

Với kinh nghiệm thực tế từ công tác quản lý nhiều tòa nhà cao tầng, ông đánh giá thế nào về sự quan trọng của công tác bảo trì?

- Công tác bảo trì là yếu tố quan trọng tác động đến sự an toàn và chất lượng hoạt động của thang, qua đó có thể phát hiện sớm để chủ động xử lý kịp thời các sự cố. Thang vận hành liên tục dẫn tới các thiết bị cơ khí hao mòn như các bánh xe dẫn hướng cabin, đối trọng, vòng bi puly, các tiếp điểm cửa tầng đóng ngắt liên tục gây tiếp xúc kém, cáp tải có thể bị trùng... nên không thể lơi là việc kiểm tra, căn chỉnh, thay thế.

Tại không ít tòa nhà cao tầng, bảo trì thang máy chưa được quan tâm đúng mức, mặt khác kinh phí cho công tác này dường như cũng được "tiết kiệm" tối đa nhằm giảm thiểu chi phí vận hành, quản lý. Có quan điểm còn cho rằng tòa nhà mới đưa vào vận hành đôi ba năm thì chưa cần phải lo lắng về hoạt động của thang máy. Ông có lời cảnh báo  với thực trạng này?

- Do thiết bị của thang máy thường phải nhập khẩu, có giá thành cao, nên không phải đơn vị nào cũng sẵn sàng bỏ ra khoản kinh phí lớn để duy trì sửa chữa, thay thế. Đây là thực trạng đáng lo ngại. Thực tế, còn có đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà chưa quan tâm đúng mức hoặc biết nhưng không muốn bỏ kinh phí nên bỏ qua việc bảo trì. Chỉ khi có hiện tượng hỏng, thang dừng mới tiến hành sửa chữa, thay thế thiết bị. Thậm chí để xử lý nhanh, có đơn vị còn bỏ qua các lỗi an toàn. Cách làm này nguy hiểm như đi xe không phanh vậy!

Để đảm bảo thang máy hoạt động ổn định, an toàn thì việc tuân thủ chế độ kiểm tra, bảo trì, kiểm định định kỳ theo tiêu chuẩn của nhà cung cấp cần được áp dụng với tất cả các thang máy, kể cả thang mới đưa vào sử dụng. Với PSA, tại tất cả các tòa nhà đang quản lý, cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt chế độ kiểm tra, bảo trì, kiểm định định kỳ theo tiêu chuẩn, chúng tôi còn luôn dự phòng những thiết bị để kịp thời thay thế khi cần thiết.

Ai cũng biết là "của bền tại người", bên cạnh việc chăm sóc, bảo dưỡng, bảo trì của đơn vị quản lý, ý thức sử dụng của người dân cũng sẽ có những tác động đến tuổi thọ, chất lượng của thang máy. Vậy người dân, những người sử dụng thang máy hàng ngày, cần lưu ý gì?

- Nâng cao ý thức của người sử dụng là thực sự cần thiết. Vài lưu ý với người sử dụng là: Khi vận chuyển đồ đạc, tránh va chạm vào cửa tầng; tuyệt đối không dùng các vật dụng để chặn cửa hoặc làm kẹt khe cửa thang máy, điều này có thể làm kẹt cửa và gây sự cố dừng thang. Khi thang đã chạy, không đùa nghịch và nhún nhẩy trong thang.  Khi vào thang cần quan sát và tuân thủ các bảng biển hướng dẫn của đơn vị quản lý vận hành. Trong trường hợp, đang trong buồng thang mà có sự cố dừng thang cần bình tĩnh nhấn nút liên lạc khẩn cấp để gọi cứu hộ, hoặc có thể gọi điện thoại số hotline nhờ trợ giúp, tuyệt đối không tự ý cậy phá nắp buồng thang hoặc cửa thang để cố gắng thoát ra ngoài bằng mọi cách, điều này có thể gây tai nạn nghiêm trọng. Khi đưa trẻ nhỏ vào thang máy cần tránh xa vị trí cửa thang (đối với thang cây) hoặc nhấc cao chân bước ra khỏi điểm cuối cùng (đối với thang cuốn).

Đặc biệt, không được tự ý vận hành, sửa chữa thang nếu không phải là người có trách nhiệm và được đào tạo về chuyên môn.

Xin cảm ơn ông!
Công ty CP Quản lý và khai thác tài sản Dầu khí (PSA) là một đơn vị chuyên nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý tòa nhà. Hiện, PSA đang quản lý nhiều tòa nhà lớn trong và ngoài ngành Dầu khí trên cả nước, trong đó có tòa nhà 18 Láng Hạ là Trụ sở của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần