Bảo vệ an toàn thông tin cá nhân còn “lỏng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Ngày 24/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật An toàn thông tin. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề bảo vệ an toàn thông tin cá nhân là cần thiết, nhưng Dự Luật vẫn chưa có quy định chặt chẽ trước vấn đề này, chưa bao quát được hết các hiện tượng xã hội.
Cơ hội để giảm thiểu mặt trái của internet

Đưa ra dẫn chứng cụ thể về sự việc một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai bị bạn trai 22 tuổi đưa video quan hệ của hai người lên mạng xã hội, chỉ sau khi xuất hiện 2 ngày, video này đã lan truyền rất nhanh, có tới hàng ngàn người xem. Hậu quả rất đau lòng là nữ sinh đã tự tử, ĐB Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) cho rằng: Có thể nói là mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh đến kết cục đau lòng, nhưng câu hỏi đặt ra là cơ quan quản lý Nhà nước có những biện pháp gì ứng cứu khẩn cấp với gia đình trong suốt thời gian ba ngày đó?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. 	Ảnh: TTXVN
Kinhtedothi - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Cũng theo ĐB Nguyễn Thanh Hải, việc bảo vệ thanh thiếu niên trước những tác động xấu từ internet đã được nhiều nước quan tâm và đặc biệt trong thời gian vừa qua tại Diễn đàn nghị sĩ trẻ toàn cầu được tổ chức tại Tokyo ngày 24, 25/5 cũng đã đề cập đến vấn đề này một cách hết sức sâu sắc.  "Việc xây dựng Luật An toàn thông tin sẽ là một cơ hội để chúng ta có thể giảm thiểu các tác động xấu, tác động mặt trái của internet, mạng xã hội lên thanh thiếu niên mà trước hết là cần bổ sung thêm về các quy định đối với việc bảo vệ các thông tin riêng trên mạng vào Chương III" - ĐB Nguyễn Thanh Hải nêu vấn đề và "tha thiết đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến việc đổi tên của Chương III, cụ thể là "Bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng". Đồng thời, bổ sung thêm vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 của luật cụ thể như sau: Luật này quy định hoạt động về an toàn thông tin bao gồm đảm bảo an ninh thông tin trên mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng".

Phải có quy định “đối phó” tin nhắn rác

Nhiều ý kiến nhận định, hiện nay số lượng người sử dụng internet ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á; 90% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, khoảng 6.500 trang web bị tấn công, vì vậy vấn đề bảo vệ về thông tin cá nhân trên mạng là rất quan trọng, nhất là khi sử dụng dịch vụ người dùng phải chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ. ĐB Nguyễn Quốc Bình (đoàn Hà Nội) cho rằng: Tin rác gửi đến số điện thoại rất nhiều vì vậy cần quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về tính toàn vẹn của thông tin. Thực tế là nhiều thiết bị thông tin khi mua sẵn có nhiều lỗ hổng bảo mật, cần có quy định để đảm bảo kiểm tra tận gốc thiết bị thông tin. Hệ thống giám sát an toàn thông tin quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận xét: Dự Luật vẫn còn những khiếm khuyết nhất định cần được rà soát, bổ sung, điều chỉnh, làm rõ các quy định, các chương, điều. Cần nghiên cứu thêm các vấn đề: Các hành vi bị nghiêm cấm, các chế tài xử phạt, ứng cứu sự cố an toàn thông tin, việc ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn an ninh quốc gia, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn trên mạng... Ngoài ra, các quy định về việc giám sát hệ thống an toàn thông tin; việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng còn hời hợt, cần nghiên cứu thêm; vấn đề về phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin, về quản lý Nhà nước; về an toàn thông tin của các bộ, ngành, Chính phủ, chức năng của Quốc hội cần được tiếp tục làm rõ.

Chiều 24/6, Quốc hội đã thảo luận về Dự án Luật Khí tượng thủy văn; nghe tờ trình và thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân tối cao.
Sáng 24/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Trong đó, một nội dung quan trọng là báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có giá trị bắt buộc. Quy định này nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc đưa ra và thực hiện các kết luận, kiến nghị.