Bộ trưởng Altmaier nhấn mạnh sự cần thiết của tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga đối với Đức khi dự án này giúp Berlin đáp ứng nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng.
“Nhu cầu với khí đốt tự nhiên của Đức hiện đang gia tăng mạnh, vì nước này đang dần loại bỏ nguồn cung năng lượng từ than và hạt nhân”, Bộ trưởng Altmaier trả lời phỏng vấn trên tờ Bild của Đức ngay trước chuyến đi tới Mỹ - một trong những nước phản đối mạnh nhất đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
“Chúng tôi không phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Dự án này rút ngắn việc vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu và tạo ra các cấu trúc cung ứng mới”, ông Altmaier khẳng định.
Bộ trưởng Altmaier nói thêm rằng việc hoàn thành Dòng chảy Phương Bắc 2, được thiết kế đưa khí đốt của Nga đến châu Âu, cũng có mục đích tương tự như kế hoạch xây dựng các trạm trung chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tại Đức.
Tuyên bố trên được Bộ trưởng Kinh tế Đức đưa ra ngay sau khi dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vừa nhận được một loạt chỉ trích khác, lần này là từ Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE). Trước đó, hôm 7/7, Hội đồng Nghị viện OSCE đã thông qua một nghị quyết phản đối các dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng Moscow sử dụng nó như một công cụ để phục vụ mục đích chính trị.
Các quan chức Nga lên tiếng phản đối nghị quyết của OSCE nhằm gây áp lực đối với các quốc gia liên quan đến dự án, dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay.
“Những nghị quyết này chỉ phản ánh quan điểm của phương Tây nhằm ngăn chặn, cô lập và làm mất uy tín của Nga, cũng như nỗ lực để các đối tác tiềm năng rút khỏi dự án khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2”, ông Konstantin Kosachev, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Nga, nói với hãng tin RT.
Chính phủ Mỹ nhiều lên lên tiếng phản đối việc xây dựng đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 vì Washington đang thúc đẩy việc bán LNG sang châu Âu. Tuy nhiên, các nhà đầu tư châu Âu vẫn tham gia dự án bất chấp áp lực trừng phạt từ Mỹ, đặc biệt chính phủ Áo và Đức liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyến đường ống khí đốt đối với nền kinh tế của 2 quốc gia này./.