Giới chuyên gia, DN và người tiêu dùng cho rằng, Nhà nước cần khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa song song với xây dựng chính sách phát triển sàn TMĐT trong nước bền vững.
Chóng mặt với "cơn lốc" hàng giá rẻ tràn vào nội địa
Temu là một sàn TMĐT xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc). Những ngày gần đây, Temu đã mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ đến người tiêu dùng Việt Nam. Điểm nổi bật của Temu so với các sàn TMĐT khác là giá sản phẩm rẻ, nhờ vào mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, loại bỏ các chi phí trung gian. Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Điều này cho phép người mua được hưởng mức giá thấp mà không có phí ẩn, khiến nó hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Chia sẻ về sàn TMĐT Temu, chị Đỗ Thị Linh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, không chỉ thường xuyên có voucher, ưu đãi để hút người mua hàng, khi nhận hàng, khách hàng không ưng, yêu cầu đổi hàng, Temu hoàn lại tiền ngay lập tức, thậm chí kèm theo thông báo tặng hàng miễn phí đối với một số trường hợp. “Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhiều sản phẩm như ốp điện thoại, khuyên tai, quần áo thời trang trên Temu chỉ có mức giá vài chục nghìn đồng, thậm chí có sản phẩm chưa đến 10.000 đồng. Cùng với đa dạng mặt hàng siêu rẻ, tính năng tiện lợi khi đặt hàng, Temu có chính sách đổi, trả hàng rất linh hoạt” - chị Linh cho biết thêm.
Không chỉ Temu, thời gian qua, Trung Quốc gia tăng xuất khẩu qua biên giới bằng nền tảng số và TMĐT, trong đó có Tiktok Shop, Shopee, Lazada, Shein, Taobao, 1688… DN Trung Quốc lập các kho hàng ở khu vực biên giới hoặc có kho hàng ngay tại Việt Nam. Do đó, sự đổ bộ của các sàn TMĐT Trung Quốc đang khiến các DN trong nước lo ngại về "cơn lốc" hàng giá rẻ của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam. Từng có kinh nghiệm 4 năm hoạt động trên sàn TMĐT, chị Thanh Thủy - chủ thương hiệu thời trang Kamie Thủy (Hà Nội) chia sẻ: “Sự tham gia của các sàn TMĐT Trung Quốc gây áp lực cạnh tranh rất lớn về giá, thời gian và chi phí vận chuyển. Trong khi phần lớn bộ phận người tiêu dùng Việt Nam vẫn thích giá rẻ, khiến các nhà kinh doanh nhỏ lẻ gặp không ít khó khăn. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh thu của chuỗi cửa hàng sụt giảm hơn 40% từ đầu năm đến nay”.
Việc không đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu qua các kênh online có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại cho các DN trong nước. Do đó, cần thiết phải có những biện pháp quản lý thuế hợp lý, đồng thời hỗ trợ các DN nội địa trong quá trình chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
Lý giải nguyên nhân, ông Nguyễn Xuân Hùng - Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc sang Việt Nam rất rẻ. Một container có thể chứa tới 15.000 đơn hàng, với chi phí vận chuyển chỉ khoảng 1.400 đồng/đơn. Điều này giúp các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc không chỉ cạnh tranh về giá mà còn có thể cung cấp dịch vụ giao hàng miễn phí, tạo lợi thế lớn trên thị trường. Điều đáng lo ngại, mặc dù người tiêu dùng đang được hưởng lợi từ giá cả rẻ và dịch vụ tiện ích, nhưng các DN nội địa phải đối mặt với sức ép lớn.
Khẩn trương “bịt” lỗ hổng trong quản lý
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về "cơn lốc" hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam qua sàn giao dịch TMĐT, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải “bịt” lỗ hổng trong quản lý TMĐT. PGS.TS Trần Hoàng Ngân phân tích, giá thành hạ còn có thể do phía nhà bán hàng không phải chịu các loại thuế, hay nói cách khác là trốn thuế. Khi các loại hàng hóa đó ồ ạt vào Việt Nam, sẽ tác động đến các ngành sản xuất trong nước. TMĐT nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây mất công bằng với sản xuất nội địa trong kinh doanh và thất thu thuế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường.
Đồng quan điểm, GS.TS Hoàng Văn Cường nhận định, nếu không có giải pháp kiểm soát, người tiêu dùng sẽ mua hàng qua các kênh TMĐT giá rẻ, chưa được kiểm soát chất lượng, ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Đáng nói, hoạt động này có nguy cơ triệt tiêu hàng sản xuất trong nước khi người dân mua hàng giá rẻ qua mạng. Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Nhà nước cần triển khai ngay giải pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa bán qua sàn TMĐT, một mặt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một mặt để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước "cơn lốc" hàng giá rẻ. Cùng với đó, xem xét chính sách miễn thuế nhập khẩu với hàng hóa giá trị nhỏ, dưới 1 triệu đồng liệu còn phù hợp hay không. Một giải pháp quan trọng là tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sàn TMĐT trong nước, bởi thị phần hoạt động TMĐT có đến trên 95% là sàn giao dịch nước ngoài.
Trước sự bành trướng của các sàn TMĐT nước ngoài, mới đây (ngày 27/10), Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành công điện tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về TMĐT, trong đó có nội dung nghiên cứu, đề xuất ban hành Luật chuyên ngành về TMĐT nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.
Nhìn nhận tình hình thực tế, hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động TMĐT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ sẽ tập trung rà soát các quy định pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ người tiêu dùng; phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng. Thời gian tới, ngành công thương tăng cường hoạt động quản lý, giám sát trên môi trường mạng, chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn TMĐT xóa bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật; tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho quản lý Nhà nước trong vấn đề này.
Hiệp hội TMĐT Việt Nam khuyến nghị, trong giai đoạn từ 2026 - 2030, song song với việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao, Việt Nam cần xây dựng tầm nhìn phát triển TMĐT bền vững. Những yếu tố quyết định tới thành công của lĩnh vực này bao gồm thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trực tuyến, tận dụng các cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến và giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
DN trong nước cần tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì nhãn mác theo quy định của phía đối tác; liên doanh, liên kết tạo sức mạnh cộng đồng DN Việt, chú trọng thị trường nội địa gắn với xuất khẩu trực tiếp, qua các trang TMĐT. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng: kho bãi, giao thông và phương tiện vận chuyển, đưa công nghệ quản lý mới, tiên tiến vào ứng dụng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
TS Vũ Vinh Phú