Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ hoa đào từ... muôn trùng mối nguy

Bài, ảnh: Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoa đào nở sớm khiến nhiều người trồng đào Nhật Tân hoặc phải “cắt lỗ” bán sớm hoặc dùng các biện pháp hạn chế sự phát triển của hoa như xây nhà trú ẩn, lắp điều hòa cho vườn hoa. Người trồng hoa còn đứng trước nỗi lo... mất trộm.

Hàng năm, vào đầu tháng 12 âm lịch, các hộ gia đình trồng đào tại vườn hoa Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) lại tuốt lá những gốc đào già để hoa nở đúng dịp Tết. Tuy nhiên, dù mới qua Tết dương, hoa đào đã bung nở vì thời tiết thay đổi. Những ngày gần đây, tại nhiều tuyến phố của Thủ đô như: Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân, Âu Cơ… hoa đào đã được bày bán.
Cắt đào bán sớm

Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tại chợ hoa Quảng Bá, Hoàng Hoa Thám, giá cành đào nở sớm khá hợp lý, từ 40.000 - 80.000 đồng/cành, loại lớn hơn có giá từ 150.000 - 200.000 đồng. Một số người bán đào tại chợ cho biết, để phục vụ nhu cầu chơi đào sớm của người dân, nông dân trồng đào ở Nhật Tân vẫn điều đào nở sớm để bán vào Tết Dương lịch. Hầu hết đào nở sớm đều của những gốc đào già, đào lâu năm, cả về dáng, về thế, chất lượng hoa không bằng đào chính vụ. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết nhiều biến động, cành đào chính vụ vẫn nở sớm hơn dự kiến nên người dân phải “cắt lỗ” bán sớm.
 Người dân thu hoạch hoa đào sớm.
Tìm đến làng Nhật Tân những ngày này, xe ô tô vận chuyển đất nườm nượp ra vào các vườn, mỗi luống trồng đào đều có thợ chăm sóc. Thời điểm Tết cận kề, hình ảnh ấy không có gì lạ lẫm nhưng thay vì làm những việc quen thuộc như tuốt lá, xới đất thì thợ trồng đào lại đang phải ngắt bỏ những bông hoa đào đang nở sớm. Chị Bùi Thị Mai - chủ một vườn đào tại Nhật Tân cho biết: “Với dân trồng đào lâu năm sẽ điều chỉnh được hoa nở theo ý mình. Tuy nhiên, sau đợt rét đậm, tiết trời Hà Nội có nhiều sương muối nên nhiều nụ hoa bị rụng, hoa bị táp (bị héo) nên những hộ gia đình trồng đào cành gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh việc tăng cường chăm sóc cây, bón phân để điều chỉnh sự phát triển của cây cho phù hợp, chúng tôi phải mua thêm đất bồi sông Hồng với giá 400.000 đồng/xe để chăm cây”.

Vất vả là vậy, nhưng bao đời nay, người dân trồng đào ở Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn bám trụ với nghề để mỗi khi Tết đến, Xuân về những cánh đào tươi thắm lại tràn ngập phố phường, len lỏi vào trong từng gia đình. Mỗi cây, cành đào đến tay người mua, người dân làng đào Nhật Tân lại có thêm một cái Tết ấm no, hạnh phúc.

Người trồng đào ở Nhật Tân cũng cho hay, so với mọi năm, việc bán đào nở sớm cũng tốn nhiều công sức hơn. Người bán phải tuốt bỏ những bông hoa nở sớm và cấy, ghép thêm nụ cho cành để đảm bảo được tính thẩm mỹ, độ dày của hoa. Những cành đào to, đẹp mua tại vườn cũng chỉ có giá từ 80.000 - 100.000 đồng. Chị Đoàn Lan - thợ trồng đào tại Nhật Tân cho biết: “Nhà tôi phải bán đào sớm vì hoa nở rộ. Tiền bán hoa chỉ đủ đề bù lại số tiền phân bón, chưa tính tiền công chăm sóc”.

Xây nhà trú ẩn cho hoa đào

Thời tiết lạnh sẽ tốt cho sự phát triển của đào, cánh đào thắm và nụ to hơn. Theo kinh nghiệm của những người trồng đào lâu năm, 15 ngày cuối tháng 12 âm lịch, tùy vào sự phát triển của cây đào, người trồng phải có cách chăm sóc thích hợp. Ở làng hoa Nhật Tân, vườn đào Thất Thốn của gia đình ông Lê Hàm được xem là một trong những vườn đẹp nhất. Vườn đào Thất Thốn có các gian phòng lạnh lợp mái tôn và có điều hòa để chăm sóc, hạn chế sự ảnh hưởng thời tiết. Khác với các loại đào khác, đào Thất Thốn đòi hỏi nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh khiến người trồng phải bỏ nhiều công. “Từ khoảng tháng 10 âm lịch, tôi đã dùng điều hòa hai chiều để căn chỉnh nhiệt độ phù hợp với cây” - ông Lê Hàm cho biết.

Không phải gia đình nào ở làng Nhật Tân cũng đầu tư tiền bạc để chăm sóc hoa như vậy. Để đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, người trồng đào ở Nhật Tân phụ thuộc chính vào kinh nghiệm để điều chỉnh sự phát triển của cây đào. Len lỏi vào sâu bên trong làng đào Nhật Tân, hầu hết các hộ gia đình đều có một góc riêng để trồng những cây “đào gia truyền”. Những cây này có niên đại 30 - 40 năm. Khác với những cây đào lớn, tán rộng, được uốn nắn tạo thế theo mẫu, những cây đào già thường sần sùi, nhìn giống củi khô, chúng còn được gọi là đào lũa. Với kinh nghiệm và bán tày khéo léo, các “nghệ nhân” trồng đào tại Nhật Tân vẫn giúp những “khúc củi” đâm chồi, nảy lộc. Nhiều người chơi đào ở các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên tìm đến hỏi mua với giá hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng nhưng đều bị từ chối với lý do những gốc đào này chỉ cho thuê, rẻ cũng vài chục, gốc nào đẹp thì cả trăm triệu đồng. “Đào lũa là những cây đào rực, già sẽ bị sâu mục nhưng bộ rễ vẫn tốt, nếu chăm sóc cẩn thận cây vẫn ra hoa rất đẹp và có thế độc” - một người trồng đào tại Nhật Tân chia sẻ.

Nỗi lo mất trộm

Vào ngày cận Tết, những chủ vườn đào túc trực gần như 24/24h để vừa chăm sóc cây vừa chống trộm. Ông Trần Dương - chủ một vườn đào tại Nhật Tân cho hay: “Chúng tôi là dân lao động, vất vả chân tay cả năm, cả tháng. Đến đêm, dù rất mệt nhưng cũng chẳng dám thiếp đi, bởi có khi chỉ lơ là vài phút thôi mà đã mất trắng cả chục triệu”. Theo một số người dân kể lại, Tết nào bọn trộm cũng lảng vảng quanh những vườn đào để chọn mục tiêu. Bọn trộm chúng đào rất nhanh, chỉ lấy gốc còn chậu bỏ lại. Có gia đình một năm mất đến 6 -7 chậu đào, coi như mất Tết. Từ đó, nhà nào cũng phải cử người túc trực, thay nhau tuần tra 1 tiếng 1 lần. Đó là chưa kể đến nhiều khách đến mua đào, chủ vườn không để ý là khách lại bẻ cành, ngắt hoa, nên lúc nào cũng lo ngay ngáy trong lòng.

Màn đêm buông xuống, ông Phạm Minh Hải - người có hơn 40 năm kinh nghiệm trồng đào vẫn đang cùng vợ cố gắng làm nốt đoạn hàng rào gỗ, vừa cầm búa gõ cành cạch vào hàng rào, ông vừa thở dài nói: “Mua được ít đất bồi để chăm sóc cây thì xe tải lại lùi vào làm hỏng cả luống đào, tôi phải xây hàng rào này để người ta biết còn tránh. Cả năm có mỗi một dịp để kiếm tiền mà bao nhiêu rủi ro từ thời tiết, trộm cắp”. Quan sát ông Phạm Minh Hải làm, một thợ vườn bên cạnh hài hước nói: “Hai vợ chồng xây rào thế này thì Tết này đẹp nhất làng, nhưng tối nhớ ra đi tuần với bọn em nhé”.

Người trồng đào, chở che cây hoa khỏi sự ảnh hưởng của thời tiết, khỏi kẻ xấu rắp tâm trộm cắp, để cái Tết có hương vị của mùa Xuân.