Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ môi trường làng nghề: Huy động nguồn lực xã hội hóa

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề, trong khi điều kiện các nguồn lực và ngân sách còn hạn chế, TP Hà Nội đã, đang tập trung kêu gọi xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Cùng với đó, thực hiện tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ cấp xã, phường để thực hiện tuyên truyền bảo vệ môi trường từ cấp cơ sở.

 Sản xuất hàng mây tre đan xuất khẩu ở làng nghề Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Hải Linh
Huy động xã hội hóa còn khó khăn
Theo Sở TN&MT Hà Nội, để khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, TP đã triển khai nhiều giải pháp như tiến hành quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề để di dời cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho quận, huyện, thị xã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp làng nghề và lựa chọn một số làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng để triển khai thí điểm công nghệ xử lý phù hợp. TP cũng đã rà soát, lập danh mục cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch và ban hành Kế hoạch thực hiện công tác bảo vệ làng nghề trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh việc ưu tiên ngân sách cho sự nghiệp môi trường, TP còn đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư và cung cấp các dịch vụ môi trường, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào xử lý môi trường.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định cho biết, tuy TP đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề nhưng việc huy động vẫn chưa hiệu quả. Nguyên nhân do chi phí đầu tư vào lĩnh vực này rất lớn, lợi nhuận thấp nên các DN không mặn mà. “TP Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các mô hình xã hội hóa trong xử lý môi trường làng nghề, tạo ra môi trường pháp lý cần thiết nhằm khuyến khích các DN đầu tư. Đồng thời huy động chính sự đóng góp của người dân làng nghề từ đó nhân rộng mô hình để tạo thành phong trào chung” – ông Lê Tuấn Định cho hay.
Nâng cao nhận thức từ cơ sở
Trên địa bàn Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, được phân loại theo nhóm ngành nghề sản xuất chính, gồm: Thủ công mỹ nghệ (gốm, sứ, thủy tinh mỹ nghệ, chạm khắc, sơn mài, đồ gỗ mỹ nghệ); chạm mạ vàng, bạc, thêu, ren; chế biến lương thực, thực phẩm; dệt nhuộm, ươm tơ, thuộc da; vật liệu xây dựng và khai thác đá, tái chế phế liệu; nghề khác (sản xuất nông cụ như cày bừa, đóng thuyền, làm quạt giấy...). Theo kết quả thực hiện nhiệm vụ “Rà soát, đánh giá, phân loại làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội theo Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT và các quy định của Bộ TN&MT” cho thấy: Môi trường nước có 40 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 17 làng nghề ô nhiễm, 8 làng nghề không ô nhiễm; Môi trường không khí: 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm, 43 làng nghề không ô nhiễm; Môi trường đất: (đánh giá 37/65 làng nghề) có 3 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 2 làng nghề ô nhiễm và 23 làng nghề không ô nhiễm.
Nhằm nâng cao nhận thực và đẩy mạnh công tác tuyên truyền từ cấp cơ sở, tháng 11/2019, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ký Quyết định số 2796/QĐ-BTNMT ban hành chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về môi trường cho công chức địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường xã. Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND, ban hành quy định về bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, giao trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường làng nghề
đến từng cơ sở, tổ chức, UBND cấp xã, huyện và các sở, ngành trực thuộc UBND TP Hà Nội.
TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho biết, các làng nghề của Hà Nội từ nhiều năm nay phải căng mình chống chọi lại với vấn nạn ô nhiễm môi trường, do chính người dân làng nghề trong quá trình sản xuất gây ra. Giải pháp kêu gọi xã hội hóa, kết hợp với nâng cao ý thức từ cơ sở trong việc bảo vệ môi trường là cần thiết và sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.