Ngày 15/1, với chủ đề “Chung tay bảo vệ môi trường, một hành động nhỏ - một lợi ích to”, Hội LHPN phường Ngọc Hà, quận Ba Đình ra mắt mô hình “Nhà thu gom rác thải nhựa” và công trình “Tuyến phố xanh” bằng nguồn xã hội hoá nhằm hưởng ứng chương trình phụ nữ Ba Đình ứng xử đẹp với môi trường và phong trào phòng chống rác thải nhựa.
Vấn đề môi trường luôn được quan tâm hàng đầu hiện nay do luôn bị ô nhiễm bởi các chất thải và rác thải. Đặc biệt, chất thải nhựa đang là vấn đề môi trường nhức nhối của hầu hết các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam. Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc về tình hình rác thải trên thế giới cho thấy, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và 40% nhựa được sản xuất ra không được sử dụng đến. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 1.8 triệu tấn nhựa với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa đổ ra biển.
Rác thải nhựa sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu đến từ: Rác thải sinh hoạt (túi nilon, chai nhựa, ống hút nhựa,… của các hộ gia đình). Rác thải từ hoạt động sản xuất, thi công trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp… Rác thải nhựa từ các hoạt động tại các khu du lịch, dịch vụ như cốc nhựa dùng 1 lần, ống hút, chai lọ, hộp đựng thức ăn… Rác thải y tế sinh ra từ các hoạt động chuyên môn như kim tiêm, găng tay, chai, lọ thuốc,… và từ hoạt động lưu trú của nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2018 cho biết, từ năm 1950 đến nay, sản lượng nhựa trên thế giới đã tăng từ 1,5 triệu tấn/năm lên đến 380 triệu tấn/năm. Trong đó chỉ có khoảng 9% nhựa được tái chế, 12% bị đốt, còn lại có đến 79% rác thải nhựa xử lý theo kiểu chôn lấp hoặc bị thải bỏ ra môi trường.
Rác thải nhựa khi bị thải ra môi trường hoặc bị chôn lấp thì theo thời gian sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa với nhiều kích cỡ micro, nano, pico… khác nhau. Những mảnh vi nhựa này sau đó sẽ lẫn vào môi trường nước, đất, không khí… khiến cho các sinh vật biển ăn phải. Tiếp đến, con người ăn các loại sinh vật này và sẽ gián tiếp đưa hạt vi nhựa vào cơ thể, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe. Còn với rác thải nhựa được xử lý theo hình thức đốt thì sẽ sinh ra các khí độc bao gồm dioxin, furan… làm ảnh hưởng tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư…
Có thể nói, tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống và môi trường là vô cùng nghiêm trọng. Chính vì thế, mỗi cá nhân cần nhận thức được và bắt đầu việc giảm tiêu thụ sản phẩm nhựa. Từ thực tế đó, Hội LHPN phường Ngọc Hà ra mắt mô hình “Nhà thu gom rác thải nhựa” nhằm giúp phân loại rác thải sinh hoạt đặc biệt rác thải nhựa và tuyên truyền về hạn chế dùng sản phẩm nhựa một lần để không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Hội LHPN phường sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện mô hình có hiệu quả và thiết thực. Tích cực tuyên truyền vận động người dân hạn chế sử dụng đồ nhựa, phân loại rác trước khi đổ… Nâng cao ý thức sử dụng của người dân, nên hạn chế tối đa việc sử dụng đồ nhựa. Sử dụng các vật dụng làm bằng các nguyên liệu như thủy tinh, vải, gỗ… để có thể sử dụng lại nhiều lần. Nếu bắt buộc phải sử dụng đồ dùng 1 lần, hãy lựa chọn các vật dụng thân thiện với môi trường thay cho đồ làm từ nhựa. Phân loại rác thải nhựa từ gia đình, giúp nâng cao khả năng tái chế để giảm thiểu lượng rác xả ra môi trường.