Hệ quả của sự thiếu ý thức
Sự phát triển của công nghệ, máy móc giúp cho sinh hoạt, đời sống của con người thêm nhẹ nhàng, tiện lợi và góp phần thúc đẩy kinh tế. Quá trình đô thị hóa cũng mang đến diện mạo mới khang trang, văn minh, hiện đại cho Thủ đô Hà Nội, những ngôi nhà cao ốc, khu đô thị, xưởng sản xuất mọc lên ngày càng nhiều; đường phố náo nhiệt ô tô, xe máy nối đuôi nhau...
Thế nhưng, sự phát triển ấy cũng mang đến những tác động tiêu cực cho môi trường. Đó là khói bụi dày đặc từ xưởng sản xuất, xe máy, ô tô, tàu hỏa… thải ra môi trường; rồi nhu cầu nhà ở tăng cao, làm tăng hiệu ứng nhà kính, khiến cho trái đất nóng lên. Bên cạnh đó, diện tích cây xanh bị thu hẹp, mà cây xanh lại được coi như lá phổi giúp tạo ra oxy và thanh lọc không khí.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nói đến ý thức của người dân trong việc “đối xử” với môi trường. Trong khi ngày càng nhiều người dân có ý thức vứt rác đúng chỗ, biết phân loại rác và tích cực tham gia các hoạt động trồng cây gây rừng, thì một bộ phận nhỏ lại lơi là việc môi trường đang bị ô nhiễm, vứt rác lung tung, tiện đâu vứt đó.
Hậu quả để lại là những con sông bị ô nhiễm, bốc mùi cùng với những món đồ nhựa như cốc, túi nilon, chai, cốc nhựa… trôi nổi lềnh bềnh. Những món đồ bằng nhựa thường mất từ 100 - 500 năm để phân hủy toàn bộ.
Ngoài những món đồ nhựa làm ô nhiễm môi trường, việc người dân đốt rác ngoài trời hay sử dụng các loại nhiên liệu như than tổ ong cũng góp phần làm ô nhiễm không khí do phát sinh bụi mịn PM2.5, khí CO, CO2, SO2, tác hại trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng và cộng đồng.
Cần tăng cường lối sống xanh
Tình trạng môi trường sống của chúng ta đang ngày một xấu đi đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo, cần phải có những biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa tác động có hại đối với môi trường. Ô nhiễm môi trường gia tăng là do các khu đô thị, khu dân tập trung quá đông đúc, dẫn đến gia tăng lượng rác thải.
Để cải thiện vấn đề này, trước tiên cần có giải pháp di dời các khu dân cư quá đông đúc trong nội thành Hà Nội ra khu vực ngoại thành Hà Nội. Chẳng hạn như việc Đại học Quốc gia Hà Nội đã quyết định chuyển trụ sở làm việc từ Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội tới Hòa Lạc, Thạch Thất, Hà Nội. Cùng với đó, sẽ có khoảng hơn 6.000 sinh viên sẽ được di chuyển từ trung tâm TP ra ngoại ô để sinh sống và học tập bên trong khuôn viên của trường.
Đây là một nỗ lực tích cực, góp phần trong việc xây dựng một đô thị xanh, hiện đại, giảm thiểu tình trạng dân cư tập trung quá đông tại một con phố hoặc một quận nào đó. Nhờ đó, lượng xe cộ lưu thông cũng sẽ được giảm thiểu đáng kể.
Với xã hội sử dụng xe máy, ô tô là phương tiện di chuyển chính như Việt Nam, mỗi ngày trong không khí có khoảng 15% khí thải do các phương tiện giao thông vận tải thải ra. Nó không những gây ô nhiễm môi trường mà còn có tác động rất lớn đến sức khỏe con người.
Để giải quyết vấn đề này, phải chăng chúng ta nên thay đổi thói quen di chuyển từ phương tiện cá nhân sang các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt hoặc hiện nay Hà Nội đã có tàu điện trên cao tuyến Cát Linh -
Hà Đông.
Bên cạnh đó, việc thay đổi thói quen sử dụng xe xăng gây phát thải ra môi trường bằng việc sử dụng xe điện, vừa thân thiện với môi trường, không tạo ra khí thải, giảm thiểu ô nhiễm và sự tác động tới môi trường xung quanh sẽ góp phần bảo đảm một môi trường trong sạch hơn, ít khói bụi.
Thay đổi thói quen sinh hoạt là chuyện không dễ dàng nhưng cần thiết phải làm nếu không muốn môi trường tự nhiên và môi trường sống của chúng ta càng ngày càng bị hủy hoại. Như việc thay vì sử dụng túi nilon, chúng ta có thể sử dụng sang các loại túi thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng nhiều lần, từ đó giảm áp lực của rác thải nhựa đến môi trường sống.
Các loại túi bảo vệ môi trường hiện nay rất đa dạng chứ không chỉ gói gọn trong túi vải hoặc túi giấy như nhiều người vẫn nghĩ, như túi giấy, túi vải canvas, túi nilon tự hủy, túi vải không dệt.
Ngoài túi nilon, việc thay đổi thói quen sử dụng ống hút cũng là điều cần thiết. Theo điều tra, ống hút nhựa chiếm vị trí thứ 6 – thuộc top những loại rác thải độc hại, gây ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng nhất tới hệ sinh thái biển.
Một chiếc ống hút nhựa cần đến hơn 300 năm để có thể phân hủy hoàn toàn, vì vậy, con người cần phải có những hành động thiết thực và quyết liệt hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, giữ gìn màu xanh của trái đất. Các loại ống hút thân thiện với môi trường có thể thay thế cho ống hút nhựa có thể kể đến như ống hút tre, ống hút gạo, ống hút kim loại, ống hút giấy...
Môi trường hiện nay đang ở mức đáng báo động. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau chung tay bảo vệ nó giống như bảo vệ con người và xã hội. Những hành động nhỏ như phân loại rác, vứt rác đúng chỗ hay nhắc nhở nhau vài câu cũng có thể khiến môi trường trong lành, xanh - sạch - đẹp.