Bảo vệ quyền lợi của lao động di cư trong ASEAN

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối năm 2015, cộng đồng ASEAN sẽ chính thức được thành lập, trong lĩnh vực di cư lao ...

Kinhtedothi - Cuối năm 2015, cộng đồng ASEAN sẽ chính thức được thành lập, trong lĩnh vực di cư lao động, việc xây dựng một cơ chế khiếu nại chung minh bạch, đơn giản và dễ tiếp cận sẽ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động di cư trong khu vực ASEAN.

Đây là khuyến nghị được đưa ra tại Hội thảo quốc gia chuẩn bị cho Diễn đàn Lao động di cư ASEAN lần thứ 7 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 23/9.

Thông qua các diễn đàn lao động di cư ASEAN, các quốc gia trong khu vực đang tiến tới chia sẻ kinh nghiệm, thông tin trong việc thực thi cơ chế khiếu nại chuẩn cho người lao động di cư trong khu vực.
Lao động đi xuất khẩu lao động về kiểm tra lại giấy tờ tại sân bay. (Ảnh: TTXVN)
Lao động đi xuất khẩu lao động về kiểm tra lại giấy tờ tại sân bay. (Ảnh: TTXVN)
Tại hội thảo, Bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Việt Nam hiện là 1 trong 3 quốc gia có lao động di cư nhiều nhất (cùng với Philippines, Indonesia) trong khu vực ASEAN. Hiện tại Việt Nam có khoảng 500.000 lao động đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Trong thời gian tới, việc hình thành khối lao động chung ASEAN vào năm 2015 và nhu cầu lao động tại thị trường ‘láng giềng’ như Lào, Thái Lan tăng sẽ là tiền đề lớn để thúc đẩy di cư lao động của Việt Nam, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu lao động,” bà Lê Kim Dung nói.

Trước thực trạng này, các đại biểu cho rằng thời gian tới Việt Nam cần sớm thành lập trung tâm hỗ trợ thông tin và cơ chế để giải quyết những kiến nghị, khiếu nại của người đi xuất khẩu lao động, xây dựng lộ trình giảm mức phí đối với người đi xuất khẩu lao động và thực hiện các biện pháp kiểm soát mức phí của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Mặt khác, ông Trần Văn Tư, Trưởng phòng chính sách Kinh tế-Xã hội (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) đề nghị, để bảo vệ quyền của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ngoài quy định pháp luật của hai nước, nên cho phép sự tham gia của đại diện công đoàn Việt Nam trong việc đoàn đám phán thỏa thuận hợp tác quốc gia về lao động để tổ chức công đoàn có thể lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người lao động tốt hơn.

Tại hội thảo, các đơn vị hữu quan, các tỉnh thành có đông người đi xuất khẩu lao động đã chia sẻ thông tin và đề xuất các biện pháp bảo vệ người lao động di cư. Những ý kiến này sẽ được tổng hợp và đưa ra tại Diễn đàn Lao động di cư ASEAN (AFML) tổ chức tại Myanmar vào tháng 11 tới.