Bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người làm báo: Trách nhiệm thiêng liêng

Việt An thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Hội đối với giới báo chí. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi về vấn đề này.

 Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi
Thưa ông, Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư có tầm quan trọng thế nào đối với hoạt động của Hội và đối với người làm báo hiện nay?
- Việc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị mới vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam là niềm vui, niềm cổ vũ lớn đối với Hội và báo giới cả nước. Chỉ thị số 43 không chỉ khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với báo chí mà còn thể hiện sự tin cậy, đánh giá cao vai trò quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong hoạt động báo chí và đời sống xã hội.
Chỉ thị này đề cập toàn diện các mặt hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là cơ sở để các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý báo chí, các cơ quan chủ quản đề ra chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho Hội hoạt động hiệu quả. Qua Chỉ thị, các cấp hội, những người làm báo cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình để góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì lợi ích của đất nước và Nhân dân.
Nếu như vậy, hẳn rằng báo chí đã thể hiện vai trò không thể thiếu trong đời sống xã hội, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, thưa ông?
- Bước sang thời đại công nghiệp 4.0, báo chí là kênh cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có định hướng liên quan đến đất nước, đời sống Nhân dân. Nhất là khi bất kỳ ai cũng có thể lên mạng xã hội để phát tán thông tin, báo chí chính là câu trả lời cho những gì mạng xã hội nêu lên.
Bác Hồ đã từng căn dặn những người làm báo rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Luôn khắc ghi lời dạy ấy, trong những ngày đại dịch Covid-19 hoành hành, báo chí đang là một trong những lực lượng ở tuyến đầu. Ở đâu có sự kiện, ở đó có phóng viên, từ bệnh viện, khu cách ly, những cuộc họp chỉ đạo đột xuất, đến những nẻo đường ở biên giới xa xôi…
Thậm chí, khi những tin đồn, tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, báo chí cũng là lực lượng tiên phong để kiểm chứng thông tin, dập tắt tin đồn. Từ đó, giúp người dân hiểu và tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, chung sức đồng lòng để đẩy lùi dịch bệnh.
 Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại ổ dịch Covid-19 thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.
Những thay đổi nhanh chóng trong đời sống xã hội, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã tạo ra không ít thách thức và tác động trực tiếp đến đời sống báo chí. Vậy Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang có những đổi mới gì bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của hội viên, đội ngũ người làm báo, thưa ông?
- Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và báo chí cũng không ngoại lệ. Trước khi chưa có dịch, đời sống báo chí đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để hoàn chỉnh chính sách pháp luật về báo chí. Từ đó, tạo hành lang pháp lý vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của mình trong tình hình mới.
Cụ thể, Hội đã kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ báo chí và người làm báo. Hội cũng đặc biệt quan tâm, đồng hành, phối hợp để thực hiện tốt quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Thực tế, nhất là trên mặt trận chống tham nhũng, tiêu cực, nhà báo luôn phải đối mặt với rủi ro, nguy hiểm, cản trở, đe dọa, đến hành hung, xúc phạm người làm báo và gia đình của họ. Việc bảo vệ quyền lợi của người làm báo trở thành một đòi hỏi thiết yếu. Đã có những quy định về luật pháp nhưng thực thi thế nào lại là một vấn đề cần đặt ra, cần sự vào cuộc, phối hợp của Hội Nhà báo với các cơ quan bảo vệ pháp luật, lãnh đạo chính quyền các cấp, cơ quan báo chí. Song khi có những vụ việc như vậy, ngay lập tức Hội nắm thông tin, tìm hiểu bản chất của sự việc, kịp thời lên tiếng và bảo vệ nhà báo.
Tôi tin rằng, Hội sẽ tiếp tục là chỗ dựa tin cậy cho các nhà báo, hội viên của mình. Đó là trách nhiệm thiêng liêng của Hội nhà báo Việt Nam, bởi không chỉ là bảo vệ cá nhân nhà báo mà còn là bảo vệ tự do, dân chủ, kỷ cương trong xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!