Bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm khi công ty thua lỗ, phá sản

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), tại tổ đại biểu Hà Nội, các đại biểu thảo luận đề nghị quan tâm đến việc bảo đảm quyền lợi người tham gia bảo hiểm cũng như doanh nghiệp bảo hiểm, cần quy định cụ thể hơn vì đây là luật chuyên sâu để bảo đảm tính hiệu quả...

Ngày 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Thảo luận tại tổ đại biểu Hà Nội, đại biểu Nguyễn Trúc Anh cho rằng, trong dự án Luật cần quy định rõ hơn về việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm khi công ty, doanh nghiệp bảo hiểm gặp sự cố, kinh doanh thua lỗ hoặc phá sản.
 Các đại biểu thảo luận tại tổ Hà Nội
Người tham gia bảo hiểm sẽ được lấy tiền bảo hiểm đã đóng như thế nào và thông qua hình thức nào? Việc làm này cũng là đảm bảo lợi ích, an ninh cho quốc gia khi hiện nay có nhiều doanh nghiệp, công ty bảo hiểm nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Một trong những giải pháp góp phần bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm là cơ quan chức năng cần có sự quản lý nguồn tài chính, nguồn quỹ bảo hiểm của các công ty, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Đóng góp vào vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng, trong dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần có quy định rõ và có sự phân định giữa các loại hình bảo hiểm như: bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm y tế, bảo hiểm an sinh xã hội. Đặc biệt, với các loại bảo hiểm mang tính chất an sinh xã hội thì cần có những tiêu chí, hành lang pháp lý cụ thể để bảo vệ các quyền lợi được hưởng của người tham gia và người được thụ hưởng.
Đề phòng, hạn chế tổn thất trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là việc áp dụng các biện pháp để tránh, hạn chế những tổn thất có thể xảy ra đối với đối tượng bảo hiểm. Vì vậy, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cũng cần có trách nhiệm đề phòng hạn chế tổn thất, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục tổn thất; thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm; thực hiện các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo hướng dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm (nếu có).
 Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh phát biểu thảo luận ở tổ Hà Nội
Góp ý về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng cần có sự phân biệt giữa bảo hiểm có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội) với bảo hiểm có tính chất kinh doanh, bởi khi kinh doanh là có cạnh tranh.
Trong đó, có bảo hiểm nhân thọ là một loại hình bảo hiểm kinh doanh nên người mua có quyền được hướng dẫn những rủi ro tổn thất, còn doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải làm hết trách nhiệm.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong dự thảo Luật đưa ra những quy định chặt chẽ để ngăn chặn công ty, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trục lợi cũng như bảo vệ các quyền lợi của khách hàng là cần thiết nhưng các chế tài đưa ra cũng phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động được.
Ví dụ như về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp tham gia thị trường bảo hiểm cần mang tính chất tạo điều kiện thuận lợi. Việc công bố thông tin quản trị của doanh nghiệp cũng nên thực hiện cẩn thận nhưng không nên quá kỹ lưỡng vì có thể ảnh hưởng tới bảo mật quản trị thông tin của doanh nghiệp.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc mở rộng kinh doanh bảo hiểm vi mô là rất cần thiết vì đây là loại hình bảo hiểm hướng tới các đối tượng có thu nhập thấp, đặc biệt hộ nghèo, cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro có thể xảy ra.
Nhằm bảo vệ quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm, cần đưa vào trong dự án Luật quy định thời gian người dân tham gia bảo hiểm, thời gian được trả bảo hiểm cũng như các quyền lợi cụ thể của người dân...
  Đại biểu Nguyễn Anh Trí  phát biểu thảo luận ở tổ Hà Nội
Đưa ra quan điểm đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng việc sửa đổi luật cần đạt được mục tiêu đề ra là tạo được hành lang pháp lý, môi trường đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp tham gia vào kinh doanh bảo hiểm cũng như các quy định chặt chẽ để bảo vệ lợi ích, quyền lợi của người tham gia, thụ hưởng bảo hiểm.
Các quy định, điều luật phải làm sao để nhà đầu tư kinh doanh bảo hiểm và khách hàng cảm thấy thuận lợi và hiệu quả nhất. Ngoài ra, để thị trường bảo hiểm phát triển, đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân thì các doanh nghiệp cũng cần tăng cường thông tin tuyên truyền khuyến khích người dân tham gia đóng bảo hiểm theo các gói với mức tiền phù hợp khác nhau.
Nhấn mạnh kinh doanh bảo hiểm là một ngành quan trọng, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị việc có quy định pháp luật cụ thể phù hợp với thực tiễn sẽ tạo thuận lợi phát triển thị trường bảo hiểm. Liên quan đến bảo hiểm nhân thọ, đại biểu nêu ví dụ nhiều khách hàng mua được năm thứ 2, năm thứ 3 rồi không đóng tiếp sẽ bị thiệt rất nhiều khi hợp đồng không quy định rõ đâu là mức phí, đâu là bảo hiểm. Cùng với đó là vấn đề trục lợi bảo hiểm trong thời gian qua đã xảy ra, thiệt hại không chỉ cho doanh nghiệp bảo hiểm mà với cả xã hội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần