Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Vẫn còn nhiều việc phải làm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc các lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ hàng hóa nhập lậu, giả, nhái thương hiệu không chỉ gây thiệt hại cho các DN làm ăn chân chính mà còn xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng (NTD).

Im lặng vì chưa rõ luật
Thông tin từ Cục Cạnh tranh & Bảo vệ NTD (Bộ Công Thương) cho thấy: Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ghi nhận sự gia tăng đột biến về số lượng kiến nghị, khiếu nại của NTD về những vi phạm quyền lợi. Cụ thể năm 2020, Cục đã tiếp nhận được hơn 1.400 phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của NTD liên quan đến lĩnh vực dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; du lịch, nhà hàng.

Mặc dù số lượng khiếu nại của NTD về những vi phạm quyền lợi tăng mạnh, nhưng so với thực tế vi phạm thì chiếm không đáng kể. Phó trưởng Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Cạnh tranh & Bảo vệ NTD) Cao Xuân Quảng thông tin: Mặc dù đơn khiếu nại tới cơ quan quản lý về bảo vệ quyền lợi tiêu dùng bị xâm phạm đã tăng gấp 3 lần so với những năm trước, nhưng số liệu khảo sát gần đây cho thấy có đến 44% số người từng bị xâm phạm quyền lợi chọn phương án “im lặng” và bỏ qua vụ việc.
 Tư vấn quyền lợi người tiêu dùng tại siêu thị Big C. Ảnh: Lê Nam
Khi nói về nguyên nhân khiến NTD ngại tố cáo hành vi vi phạm, Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ NTD Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Mặc dù Luật Bảo vệ Quyền lợi NTD đã ra đời nhiều năm nhưng người Việt Nam có tâm lý ngại va chạm nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Bên cạnh đó, việc giải quyết các khiếu nại không thành công là do NTD không đủ chứng cứ chứng minh quyền lợi bị xâm hại hoặc đưa ra đòi hỏi đền bù quá mức. “Hơn nữa, chính bản thân những người thực thi pháp luật chưa thực sự sát sao vào cuộc hoặc vào cuộc quá chậm trễ… khiến NTD thiếu niềm tin vào cơ quan, chính quyền” - ông Hùng nêu rõ.

Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền đến người tiêu dùng

Thực tế, hoạt động tư vấn, hỗ trợ, tuyên truyền để NTD hiểu, nắm rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc thực thị Luật Bảo vệ quyền lợi NTD chưa được triển khai hiệu quả. Nhiều người NTD khi được hỏi về 8 quyền mà mình được hưởng đều hiểu lơ mơ, thậm chí không biết đến những quyền lợi này.
“Thậm chí có nhiều trường hợp dù quyền lợi bị xâm phạm nhưng lại chưa biết sẽ khiếu nại ở đâu, làm như thế nào để bảo vệ mình” - Phó trưởng Phòng Bảo vệ quyền lợi NTD Cao Xuân Quảng chia sẻ. Điều đó đòi hỏi thời gian tới cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD tới mọi tầng lớp Nhân dân.

Để NTD hiểu được quyền của mình, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 11/2021/KH-UBND về triển khai chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2021. Mục tiêu lớn nhất của kế hoạch là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, thực thi các văn bản pháp luật của Nhà nước. Qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của các đối tượng có liên quan. Đồng thời định hướng và phát huy ý thức tôn trọng quyền NTD của DN, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh, ý thức chủ động bảo vệ bản thân của NTD khi tham gia giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Thực hiện kế hoạch này, trong năm 2021 Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức chương trình "Ngày Quyền của NTD Việt Nam" để tuyên truyền, phổ biến, thực thi văn bản pháp luật về Quyền của NTD. Với chủ đề “Kinh doanh trách nhiệm, tiêu dùng bền vững trong thời kỳ bình thường mới”, trong tháng 3/2021 Sở Công Thương Hà Nội tổ chức các chương trình tuyên truyền, tư vấn, giải đáp hỗ trợ bảo vệ quyền lợi NTD…
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết: Trong Tháng hành động bảo vệ quyền NTD năm 2021, Sở phối hợp với chuyên gia, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD tổ chức các buổi tập huấn tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; nghiên cứu thành lập các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD qua đó nâng cao hiệu quả tư vấn, hỗ trợ giải quyết tranh chấp giữa NTD với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời, chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD.

Việc TP Hà Nội triển khai các chương trình về "Ngày Quyền của NTD Việt Nam" sẽ là giải pháp hữu hiệu tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật, tạo cho NTD chủ động và ý thức tự bảo vệ mình khi bị xâm phạm quyền lợi hợp pháp.

"Việc trang bị kiến thức, phổ biến pháp luật để NTD biết được quyền của mình là rất quan trọng, đặc biệt là trong việc tạo thuận lợi cho các cơ quan pháp luật giải quyết vướng mắc, qua đó đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NTD. Chỉ khi hiểu rõ Luật Bảo vệ NTD, người dân và DN sẽ thấy đây vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của chính họ. Việc làm này không chỉ giúp ích cho NTD, mà DN cũng có lợi khi tăng mức tiêu thụ sản phẩm thời kỳ hậu Covid-19."- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải