Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ quyền tác nghiệp cho nhà báo, giải pháp nào?

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện nhà báo, phóng viên bị đe dọa, hành hung đang trở nên đáng báo động. Điều đáng nói, Luật Báo chí và các văn bản dưới Luật đã quy định rõ việc bảo vệ nhà báo khi tác nghiệp, nhưng từ văn bản đến thực tế lại là một khoảng cách quá xa.

Nhiều nhà báo chưa thật sự được bảo vệ an toàn

Lăn xả, đeo bám đề tài điều tra hóc búa, phanh phui các vụ tiêu cực, khuất tất, song nhiều nhà báo vẫn chưa thật sự được bảo vệ an toàn. Nhiều vụ việc nhà báo bị đe dọa, hành hung, các thủ phạm chưa được đưa ra ánh sáng và sự việc rơi vào im lặng.

Ngày 20/6 vừa qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Công văn số 03 CV/HNBVN về việc đề nghị xử lý vụ việc đe dọa, uy hiếp phóng viên. Công văn nêu rõ, ngày 20/6, Hội Nhà báo Việt Nam nhận được báo cáo của Ban Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phản ánh việc nhà báo L.T.Đ. (sinh năm 1982, thư ký tòa soạn Báo điện tử Kinh tế & Đô thị) bị một đối tượng lạ có hành vi đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, tính mạng của bản thân và người thân trong gia đình.

Phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện chính trị tại Hà Nội. Ảnh: Duy Linh
Phóng viên tác nghiệp trong một sự kiện chính trị tại Hà Nội. Ảnh: Duy Linh

Theo đó, vào lúc 21 giờ 43 phút ngày 15/6, có một đối tượng lạ dùng số máy 0965332598 tự xưng là Công (sinh năm 1995, ở Lê Chân, TP Hải Phòng) gọi cho ông Đ. và liên tục chửi bậy, đối tượng nói đang tìm để giết ông Đ. và cả vợ con nhà báo. Ông Đ. có hỏi vì sao lại dọa giết và biết số điện thoại thì đối tượng có nói đến bài báo liên quan đến “ông anh” của đối tượng Công.

Theo Hội Nhà báo Việt Nam, việc đối tượng đe dọa, khủng bố tinh thần, uy hiếp phóng viên đã gây tâm lý hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhà báo L.T.Đ., thể hiện thái độ coi thường pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí.

Để bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo, Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị cơ quan chức năng khẩn trương có biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhà báo L.T.Đ. Đồng thời, đề nghị Công an TP Hà Nội tiến hành điều tra, xử lý thích đáng các đối tượng vi phạm và thông báo kết quả điều tra, xử lý với Hội Nhà báo Việt Nam (qua Ban Kiểm tra) bằng văn bản.

Công an quận Hà Đông cũng đã tiếp nhận đơn trình báo của phóng viên L.T.Đ. và đang tiến hành xử lý theo quy định.

Trước đó, nhiều vụ việc nhà báo bị đe dọa, hành hung liên tiếp xảy ra khi thực hiện tác nghiệp. Ngày 24/5, phóng Nguyễn Thanh Quân (Báo Thanh Niên thường trú tại tỉnh Đắk Nông) khi đang tác nghiệp tại phường Nghĩa Tân, (TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) thì bất ngờ bị một người lạ mặt tấn công vào mặt rồi bỏ đi.

Ngày 2/3, phóng viên Tiến Thắng (Báo Tuổi Trẻ thường trú tại Hải Phòng) bị 4 nam thanh niên che kín mặt đi trên 2 xe máy không mang biển kiểm soát ném đầu lợn và tạt máu lợn vào nhà riêng tại phường Hưng Đạo (quận Dương Kinh, Hải Phòng). Trước đó, phóng viên này đã có bài viết phản ánh về tình trạng nhiều hàng quán tại TP Hải Phòng đăng ký kinh doanh loại hình nước giải khát nhưng thực chất trang trí, hoạt động giống mô hình bar, sàn nhạc công suất lớn mở xuyên đêm, công khai hoạt động ngay giữa trung tâm khiến người dân bức xúc.

Phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 31. Ảnh: Thái San
Phóng viên tác nghiệp tại SEA Games 31. Ảnh: Thái San

Ngày 20/2, khi đang tác nghiệp gần trạm thu phí đường tránh Biên Hoà (thường gọi là Trạm thu phí BOT Trảng Bom), phóng viên Nguyễn Văn Tuấn (Báo Người Lao Động) đã bị 2 đối tượng lạ mặt hành hung và dùng gậy gỗ truy đuổi. Vào thời điểm trên, phóng viên Nguyễn Văn Tuấn được phân công đến xã Trung Hòa (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) để ghi nhận ý kiến người dân, chính quyền, nhà đầu tư về việc xử lý bất cập liên quan đến dải phân cách cứng trước trạm thu phí đường tránh Biên Hòa.

Bảo vệ quyền tác nghiệp, cách nào?

Nguyên nhân của những vụ cản trở, đe dọa, hành hung phóng viên, nhà báo khi đang tác nghiệp phần lớn đến từ các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực nên muốn che giấu do lo sợ bị báo chí phanh phui.

Luật Báo chí quy định “không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Tuy vậy, dù nhiều nhà báo bị hành hung, đánh đập nhưng hiệu quả xử lý thấp, điều đó ảnh hưởng lớn đến nhiệt huyết của phóng viên, nhà báo.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, thời gian qua, không ít trường hợp phóng viên, nhà báo bị đe dọa, trả thù, bị cản trở hoạt động tác nghiệp gây bức xúc trong dư luận. Nhiều đối tượng đã bị xử lý trước pháp luật, trong đó có những đối tượng đã phải lĩnh án tù và bị xã hội lên án.

Luật Báo chí nghiêm cấm các hành vi đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; Phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.

Do đó, bất kỳ một hành vi nào xâm phạm đến tinh thần, sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhà báo, phóng viên khi tác nghiệp đều bị xử lý theo quy định pháp luật với các quy phạm tương ứng trong Bộ luật Hình sự như: Tội cố ý gây thương tích; Tội giết người; Tội đe dọa giết người; Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; Tội hủy hoại tài sản…

“Trong trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản” - luật sư Đặng Văn Cường nhận định.