Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh từ quy định cụ thể trong Luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi –Sáng 13/6, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Nhiều vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức khám chữa bệnh, liên doanh liên kết, giá dịch vụ… đã được các đại biểu Quốc hội đề cập.

Chưa đủ cơ sở pháp lý cho khám, chữa bệnh từ xa

Đề cập đến việc, dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân đã phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (đoàn tỉnh Nghệ An) cho rằng, một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, đại biểu đề nghị về nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh. Tuy nhiên, Dự Luật mới đề cập đến mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề. Các quy định này vừa thiếu lại vừa chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ trước, chưa có cơ chế cụ thể để bảo đảm người bệnh thực hiện được các quyền của mình.

“Rõ ràng nếu chỉ dừng lại ở những quy định như vậy, Dự Luật chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa đạt được mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là người bệnh làm trung tâm như Tờ trình Chính phủ đã xác định. Ban soạn thảo cần tiếp tục tổng kết kỹ thực tiễn để bổ sung các quy định về mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với tính chất đây là mối quan hệ ủy thác giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó, Dự Luật cần khẳng định trong mối quan hệ này người hành nghề phải thực hiện các công việc khám bệnh, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh. Bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh” - đại biểu nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (đoàn tỉnh Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (đoàn tỉnh Nghệ An) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu, người hành nghề bắt buộc phải thông tin cho bệnh nhân về những ưu điểm, nhược điểm, những rủi ro và tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh. Giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có chứ không chỉ dừng lại ở quy định chung như dự thảo hiện nay là tư vấn cung cấp thông tin về phương pháp khám bệnh, chữa bệnh... Đây là một trong những nội dung được pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh, các nước rất quan tâm.

Đề cập đến vấn đề khám, chữa bệnh từ xa, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, quy định về vấn đè này đã không được soạn thảo đầy đủ trong Dự Luật. Theo đại biểu, chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng 4.0 nhưng trong Luật Khám, bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này chỉ duy nhất ở Điều 55 khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa đề cấp rất ít. Việc quy định như vậy là không đủ, thiếu tầm nhìn và nếu Luật Khám, chữa bệnh sửa đổi lần này nếu được thông qua thì sẽ có nhiều điều bất lợi xảy ra. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tập trung soạn thảo cách đầy đủ, chặt chẽ và khả thi quy định về khám chữa bệnh từ xa, có thể dành một chương để triển khai bổ sung thêm các nội dung đã đề cập.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, tròn 40 năm làm nghề y, chưa bao giờ đại biểu thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt và không cập nhật những bây giờ. Theo đại biểu, vì yêu cầu khám, chữa bệnh của xã hội tăng cao, y học phát triển quá nhanh, áp lực khám, chữa bệnh thì vẫn luôn là cứu bệnh như cứu hỏa. Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, cán bộ y tế đã và đang gồng mình chống dịch, họ đã làm ngày làm đêm bất chấp nguy hiểm, khó khăn mặc dù thù lao của cán bộ y tế cơ sở chị có 18.600 đồng một đêm. Những quy định của luật pháp, không còn phù hợp khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc hay những vụ việc tiêu cực đang được đưa ra ánh sáng… và thiệt hại thòi lớn nhất tại xảy ra cho chính người bệnh.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế.

Khối bệnh viên tư cũng cần cơ chế kiểm soát giá

Quan tâm về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn tỉnh Tiền Giang) cho rằng, do dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá, Nhà nước ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập và quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh với những cơ sở y tế thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (đoàn tỉnh Tiền Giang)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (đoàn tỉnh Tiền Giang)

Đại biểu nêu rõ, đối với khối tư nhân cần có cơ sở, cơ chế kiểm soát giá, quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo quyền của người bệnh.

“Nếu thả nổi cho giá khu vực tư nhân quyết định, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh, người bệnh phải trả chi phí cao khi họ không có lựa chọn khác trong thời điểm các cơ sở y tế công lập đã quá tải như thực tế trong dịch bệnh Covid-19 vừa qua”- đại biểu nêu.

Quan tâm đến nội dung mô hình bác sỹ gia đình, đại biểu Lê Thu Hà (đoàn tỉnh Lào Cai) cho biết, đây là mô hình có nhiều ưu điểm, được phát triển rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến, tuy nhiên chưa được quan tâm, chưa có nhiều quy định cụ thể để phát triển tại Việt Nam. Theo đại biểu, việc phát triển mô hình này ở Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế như: Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Nguồn nhân lực được đào tạo có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

"Việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân còn nhiều bất cập. Không có cơ chế tài chính đảm bảo nguồn thu cho các cơ sở y học gia đình để duy trì, phát triển. Các cơ sở y học gia đình chưa ký được bảo hiểm y tế ban đầu, nên chưa khuyến khích được sự tham gia…"- đại biểu nêu.

Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (đoàn tỉnh Lào Cai). Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (đoàn tỉnh Lào Cai). Ảnh: Quochoi.vn

Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, tạo điều kiện mô hình bác sĩ gia đình phát triển đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, góp phần giảm tải gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân nói riêng cũng như xã hội nói chung, đại biểu đề nghị luật hóa tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình.

Theo đại biểu dự thảo Luật sửa đổi lần này đã đổi với một số quy định liên quan đến điều kiện đảm bảo thực hiện cho hoạt động khám, chữa bệnh bao gồm tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ y tế, thay đổi cách tiếp cận về giá dịch vụ khám, chữa bệnh, sửa đổi điều kiện cấp giấy phép hành nghề, đào tạo, bồi dưỡng người hành nghề, quy định tài chính trong khám, chữa bệnh, ngân sách nhà nước công tác khám, chữa bệnh. Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng bác sĩ gia đình và các nguyên lý y học gia đình cho các nội dung sửa đổi này.