Bên lề buổi họp báo Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 diễn ra sáng 25/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan đã chia sẻ một số giải pháp khắc phục trở ngại này. 50% tai nạn thương tích xảy ra trong nhà Thư bà, mục tiêu đặt ra trong năm nay là gì khi lấy chủ đề Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích ( TNTT) cho trẻ em? - Chúng tôi lấy chủ đề này là để đảm bảo quyền sống của trẻ em. Đây là quyền cơ bản đầu tiên, quan trọng đối với mỗi người. Các em có sống thì mới phát triển, tham gia vào nhiều hoạt động khác. Do vậy, vấn đề sống còn của trẻ bao giờ cũng là mối quan tâm hàng đầu của các cấp, ngành và mỗi gia đình. Từ tháng 2/2016, Bộ LĐTB&XH xác định chọn chủ đề phòng, chống TNTT cho trẻ bởi 2 lý do. Thứ nhất, để triển khai Quyết định số 234 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phòng, chống TNTT trẻ em giai đoạn 2016 – 2020. Thứ hai, TNTT ở trẻ em thời gian qua gây nhức nhối, ảnh hưởng không chỉ đến cộng đồng, mà để lại nỗi đau lớn cho mỗi gia đình có con bị tai nạn hoặc tử vong do TNTT. Chọn chủ đề này cũng chính là hoạt động triển khai Luật Trẻ em, trong đó quy định 4 quyền cơ bản: Được sống, được phát triển, được bảo vệ, được tham gia. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, những tai nạn nào thường xảy ra với trẻ em? - Với nỗ lực của các cấp, ngành, cơ quan truyền thông, giai đoạn 2013 - 2015, tỷ lệ trẻ bị TNTT có giảm so với trước. Theo thống kế trước đây có khoảng trên 1.000 trẻ em bị tai nạn thương tích trong 1 ngày, bây giờ giảm xuống còn khoảng 500 em. Có nhiều nguyên nhân ở cộng đồng, trường học, thậm chí ngay trong gia đình lại chiếm tỷ lệ lớn nhất. Khoảng 50% vụ TNTT ở trẻ vừa qua có thể do bỏng, điện giật, ngã ngay trong nhà của mình. Tiếp đó là tai nạn giao thông và do đuối nước. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi triển khai phòng, chống TNTT ở các địa phương theo 3 hướng: Cộng đồng an toàn, trường học an toàn và ngôi nhà an toàn, để có những giải pháp cụ thể. Kết hợp nhiều biện pháp dạy bơi Thưa bà, Bộ GD&ĐT khá quyết liệt trong việc chỉ đạo dạy bơi cho học sinh. Nhân lực dạy bơi không thiếu, chương trình dạy bơi đã được đưa vào trường học, tuy nhiên khó khăn lớn nhất là thiếu cơ sở để dạy bơi? - Với đặc thù các vùng miền khác nhau, đặc biệt phía Bắc có 4 mùa, thì việc xây bể bơi trong trường học, chi phí duy trì vận hành rất lớn. Do vậy, để dạy bơi được cho các em, phải kết hợp nhiều giải pháp chứ không thể đồng loạt đầu tư xây bể bơi. Những nơi có sẵn bể bơi thì tổ chức các lớp học, có thể hỗ trợ các em một phần hoặc toàn bộ học phí. Hoặc tổ chức một nhóm mấy chục em với thời gian từ 5 – 7 hoặc 10 ngày dạy bơi lần lượt, sẽ dạy được nhiều nhóm trẻ. Với những vùng nông thôn còn thiếu điều kiện, chúng ta tận dụng những địa hình sẵn có. Ví dụ, rất nhiều tỉnh đào hố và trải tấm lót ở dưới, bơm nước lên trên để dạy các em học bơi. Những nơi ven sông, người ta có thể quây các lưới làm rào chắn tổ chức dạy bơi cho các cháu. Tôi muốn nhấn mạnh, ngoài trách nhiệm của cộng đồng và cơ quan, các bậc phụ huynh có vai trò rất lớn. Những gia đình có điều kiện nên cho con đi học bơi, nếu gặp khó khăn cần nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan để chúng ta có giải pháp dạy bơi nhiều hơn cho trẻ em. Vậy sẽ xã hội hóa như thế nào việc dạy bơi cho trẻ, thưa bà? - Với điều kiện kinh tế như hiện nay, việc tổ chức dạy bơi cho các cháu nên xã hội hóa. Nguồn lực bể bơi có sẵn rất đa dạng, thuộc hệ thống Nhà nước, tư nhân, nếu kết hợp được để dạy bơi cho trẻ thì rất tốt. Đặc biệt, vai trò của cộng đồng ở những vùng nông thôn, trách nhiệm của chính quyền huy động các đoàn thể tham gia cùng tổ chức những mô hình dạy bơi phù hợp cho các cháu là rất cần thiết. Khi ấy phong trào học bơi sẽ tốt hơn nhiều. Về phía Bộ LĐTB&XH, thời gian này đang chỉ đạo nhân sự Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam huy động các nhà tài trợ làm bể bơi thông minh, hỗ trợ phí học bơi cho các em, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn. Xin cảm ơn bà!