Món quà dân dã
Bất kỳ ai đã từng đi qua QL1 cũ, địa phận Quán Gánh cũng đều ấn tượng bởi những dãy bánh dày xếp thành hàng đều tăm tắp. Hình ảnh những chiếc bánh dày được làm từ xôi nếp, đậu xanh gói bằng lá chuối xanh đủ để níu chân khách qua đường. Bánh dày Quán Gánh có nhiều loại là bánh dày chay, bánh dày nhân ngọt và nhân mặn. Mỗi loại bánh có một hương vị riêng, khiến bất kỳ ai ăn một lần đều muốn thưởng thức thêm lần nữa.
Để làm ra những chiếc bánh dày, người làng Quán Gánh phải thực hiện gần 20 công đoạn. Mỗi công đoạn lại yêu cầu sự tỉ mỉ, kỳ công riêng, từ chọn gạo, ngâm gạo, đồ xôi, giã, đến bao nhân và gói lá... Muốn bánh dày được thơm ngon thì chọn gạo là khâu rất quan trọng. Gạo để làm bánh dày phải là gạo nếp mùa, hạt mẩy, trắng đều. Sau khi đã lựa chọn, gạo được ngâm khoảng một giờ bằng nước lạnh rồi mới đồ thành xôi. Xôi chín, được cho vào cối giã nhuyễn khi nào dùng hai tay kéo không bị đứt là được. Việc chuẩn bị nhân cho mỗi loại bánh cũng cầu kỳ không kém. Tùy vào làm bánh mặn hay ngọt mà có cách pha chế nhân cho phù hợp. Nếu là bánh ngọt thì nhân có đậu xanh, đường, dừa, vừng. Còn với nhân mặn, người làm bánh pha trộn đậu xanh, thịt ba chỉ, cộng thêm một số gia vị.
Bánh dày mới ra lò màu trắng tinh tỏa mùi thơm ngậy của gạo và đậu xanh. Người thợ khéo léo đặt bánh giữa những thếp lá chuối xanh mướt, càng tôn thêm vẻ dân dã, gần gũi của đặc sản này. Ngày nay, bánh dày không chỉ là món quà để ăn chơi, mà còn xuất hiện trong những mâm cỗ cưới, bữa tiệc chiêu đãi khách. Thương hiệu bánh dày Quán Gánh đã vượt khỏi lũy tre làng, nhiều khách hàng từ các tỉnh, thành lân cận cũng lặn lội về tận nơi đặt hàng cho những ngày trọng đại của gia đình.
Đau đáu với nghề
Không đông đúc, náo nhiệt như nhiều làng nghề truyền thống khác, nghề làm bánh dày ở Quán Gánh cứ lặng lẽ đi cùng năm tháng tuy số hộ làm nghề đã giảm đáng kể. Ông Nguyễn Viết Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Khê cho biết, cả làng Quán Gánh giờ chỉ còn khoảng 30 hộ thường xuyên làm nghề. Nguyên nhân khiến các hộ phải bỏ nghề là vì công việc vất vả, thu nhập không cao, việc kinh doanh bấp bênh bởi đầu ra không ổn định.
Gia đình chị Nguyễn Thị Nhiễu có truyền thống làm bánh dày đã 3 đời và hiện vẫn rất tâm huyết với nghề. Hàng ngày, cứ 3 giờ sáng, cả nhà đã phải dậy chuẩn bị cho mẻ bánh mới. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị làm hết khoảng 15kg gạo, nếu suôn sẻ thì lãi khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, do bánh không dùng chất bảo quản nên thời hạn sử dụng chỉ được 24 giờ, nên ngày nào không bán hết bánh thì hôm đó coi như làm không công. Chị cho biết, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình với 5 nhân khẩu nhưng công việc buôn bán thất thường khiến nhiều lúc cũng dao động. “Tôi không biết còn làm nghề được đến khi nào, nhưng giờ thì vẫn phải cố thôi. Tôi chỉ mong sao giữ được nghề truyền thống cho con cháu sau này” – chị bộc bạch.
Việc các làng nghề truyền thống trên địa bàn TP gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, duy trì và phát triển nghề do thiếu kinh phí đầu tư, mặt bằng sản xuất, đầu ra không ổn định… là có thật. Vì vậy, để một làng nghề truyền thống thực sự phát huy được giá trị, bảo đảm đời sống những người thợ tâm huyết với nghề, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh phát triển.
Chị Nguyễn Thị Nhiễu tại cửa hàng bánh dày của gia đình.
|