Bấp bênh xuất khẩu gỗ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ đã sớm tham gia “câu lạc bộ” các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt từ 1 tỷ USD trở lên (từ năm 2004).

Đến năm 2014 đã đạt hơn 6,232 tỷ USD, trong 5 tháng năm 2015 đạt gần 2,6 tỷ USD. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm 2015 có thể vượt qua mốc 6,3 tỷ USD. Nếu tính theo tốc độ tăng của 5 tháng thì có thể vượt qua mốc 6,7 tỷ USD. Đó cũng là kỷ lục mới cao hơn kỷ lục đã đạt được vào năm 2014. Tuy nhiên, XK gỗ vấn tồn tại những yếu tố thiếu bền vững.
Bấp bênh xuất khẩu gỗ - Ảnh 1
XK gỗ và sản phẩm gỗ đạt được quy mô lớn và tăng trưởng cao do nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân từ nguồn nguyên liệu đầu vào, với 2 nguồn. Nguồn thứ nhất là sản lượng gỗ khai thác ở trong nước. Sản lượng gỗ khai thác liên tục tăng lên từ năm 2004 đến nay. Và trong 5 tháng đầu năm 2015, sản lượng gỗ khai thác đạt gần 2,53 triệu mét khối, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là tín hiệu khả quan để cả năm 2015 có thể vượt qua mốc 7 triệu mét khối. Tuy nhiên, với tỷ lệ che phủ rừng đạt còn thấp (hiện chỉ tương đương với trước năm 1945), chất lượng rừng còn thấp..., nên việc khai thác gỗ sẽ khó còn được như trước, cả về tốc độ tăng, cả về quy mô khai thác để bảo vệ và cải thiện môi trường, giữ vốn rừng.

Ngoài nguồn gỗ trong nước, nguồn từ nhập khẩu cũng gia tăng đáng kể, với kim ngạch lên đến hàng tỷ USD (bình quân 7 năm qua, từ 2008 đến nay đạt hơn 1,4 tỷ USD/năm, bằng 34% kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ bình quân năm trong thời gian tương ứng). Tuy nhiên, việc nhập khẩu cũng gặp khó khăn về nguồn, về giá; nhiều thị trường XK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã yêu cầu khá chặt chẽ về xuất xứ nguồn nguyên liệu đối với mặt hàng này.

Trong khi đó, năng lực chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ trong nước cũng đang bộc lộ những hạn chế. Hiện cả nước có hơn 7.000 DN, với khoảng gần 500.000 lao động, đó là chưa kể hàng chục ngàn cơ sở cá thể, làng nghề sản xuất mặt hàng này, nhiều người có tay nghề được phong là “nghệ nhân”, “bàn tay vàng”. Đây là một trong những yếu tố có sức hấp dẫn đối với khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, quy mô DN của Việt Nam còn khá nhỏ cả về số lao động (58 người/DN), cả về số vốn (dưới 18 tỷ đồng/DN), cả về tài sản cố định (dưới 7 tỷ/DN), cả về doanh thu thuần (dưới 21 tỷ đồng/DN). Do vậy, việc đáp ứng yêu cầu của các khách hàng nhập khẩu với khối lượng lớn, thời gian giao hàng nhanh bị hạn chế.

Để XK gỗ và sản phẩm gỗ phát triển bền vững, cần khắc phục những hạn chế, bất cập hiện có, trong đó có nguồn nguyên liệu đầu vào, tổ chức sản xuất, hợp tác ở trong nước... để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đáng lưu ý, trong tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm từ gỗ, thì gỗ chiếm 29,6%, còn sản phẩm từ gỗ chiếm 70,6%. Trong 2 khu vực, thì khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện chiếm 47,9% tổng kim ngạch XK gỗ và sản phẩm từ gỗ của cả nước, trong đó sản phẩm gỗ chiếm 60,7% của cả nước. Cũng cần lưu ý là tốc độ tăng kim ngạch đang bị chậm lại (bình quân năm thời kỳ 1995 - 2005 tăng 29,9%, thời kỳ 2006 - 2010 còn 17,1%, thời kỳ 2011 - 2014 còn 16,1%, 5 tháng đầu 2015 chỉ còn 7,4%).