Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bắt bệnh chuẩn để kê thuốc đúng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhìn nhận bối cảnh kinh tế năm 2012 và cả năm 2013 còn khó khăn phức tạp, Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13 của Chính phủ, bằng các giải pháp hỗ trợ lãi suất...

Vốn tắc do cả hai phía

Chủ trương hỗ trợ lãi suất đã được triển khai cách đây gần một năm khi UBND TP có Quyết định số 5478/QĐ-UBND ngày 24/11/2011 và số 2650/QĐ-UBND (bổ sung ngày 14/6/2012) về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Tuy nhiên, cho đến nay quá trình xúc tiến cho vay hỗ trợ DN và hoạt động giải ngân vẫn chậm.

Tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu với các sở, ban, ngành về triển khai hỗ trợ lãi suất tháo gỡ khó khăn cho DN sáng 4/10,  đại diện Sở Tài chính cho biết, tính đến 15/8, mới có 2 DN đủ điều kiện được tiếp cận, là Công ty CP Xích líp Đông Anh được hỗ trợ hơn 100 triệu đồng và Công ty CP Ô tô Xuân Kiên được giải ngân 509 triệu đồng.

 
Bắt bệnh chuẩn để kê thuốc đúng - Ảnh 1
Tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn có nguyên nhân từ cả doanh nghiệp và ngân hàng.Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Dụng cụ cơ khí xuất khẩu Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hà

Ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội thừa nhận, thực tế 8 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp, tổng dư nợ cho vay chỉ tăng trên 4%, dự kiến hết 30/9 chỉ tăng trên dưới 5%. Tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn này có nguyên nhân từ cả hai phía: DN và ngân hàng.

Các tiêu chí đưa ra để DN được hỗ trợ rất khắt khe, ngoài tính khả thi của dự án, đăng ký giao dịch bảo đảm, DN phải có tài sản đảm bảo, hoạt động hiệu quả… mới đủ điều kiện tiếp cận vốn. Bản thân ngân hàng cũng là một DN. Ngân hàng cũng đang phải lo cho chính mình, vì vậy họ không thể cho vay với bất cứ giá nào. Dù có quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng qua rà soát vẫn chưa có DN nào được vay dưới hình thức này.

Bên cạnh đó, chính các DN  cũng không mấy mặn mà với khoản hỗ trợ này. Với mức lãi suất hỗ trợ là 0,2%/tháng (tương đương 2,4%/năm), tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế theo quy định, song mức này vẫn chưa đủ hấp dẫn do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, chi phí tăng cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Các DN chỉ nhắm đến mục tiêu là cố gắng để tồn tại, hoạt động kinh doanh ổn định. Điều quan trọng hơn đối với các DN lúc này phải có đầu ra tương đối ổn định, giảm hàng tồn kho.

Nên có thêm nhiều giải pháp

Ông Thái Dũng Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, tình hình DN hết sức khó khăn thể hiện ở số thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giảm 1,7% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, số DN đăng ký kinh doanh giảm đáng kể, chỉ bằng 68% số DN và 54% về số vốn so với cùng kỳ năm 2011. Có 730 DN làm thủ tục giải thể và 1.900 DN làm thủ tục ngừng kinh doanh.  "Thành phố phải bắt bệnh chuẩn để cho thuốc đúng liều DN mới khỏe lên được. Giúp DN lúc này cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu sau này" - ông Tiến nhấn mạnh. Hiện nay, điều quan trọng nhất không phải là giảm lãi suất mà cần hơn cả là phải ra tay cơ cấu lại nợ cho DN, khoanh nợ và cho vay mới với các DN mà có khả năng sản xuất tiếp. Ngoài ra, chúng ta cũng nên xem xét lại quy định loại bỏ đối tượng DN nợ thuế không được hỗ trợ để mở rộng đối tượng thụ hưởng. "TP cần chỉ đạo và thống nhất với NHNN chi nhánh Hà Nội công khai về thủ tục, danh sách, giảm phiền hà cho cả DN và các ngân hàng thương mại" - ông Tiến kiến nghị.
Bắt bệnh chuẩn để kê thuốc đúng - Ảnh 2
Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.Ảnh: Linh Anh

Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Ngọc Nam, trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, TP nên xem xét mở rộng đối tượng cho vay mới (mà vẫn mang nợ cũ), tập trung cho những DN sản xuất hàng chủ lực, các DN nông nghiệp. Sở KH & ĐT cũng  kiến nghị UBND TP tăng vốn các quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN trên địa bàn, mở rộng đối tượng cho vay bằng ngoại tệ. Ngoài ra, TP cũng cần có chính sách mở rộng đối tượng cho vay bất động sản, tiêu dùng; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đặc biệt với các DN gặp khó khăn, hàng tồn cao... Trong tình hình hiện nay, nên xem xét tập trung vào gói hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động, vừa để tăng nhanh vòng quay vốn, vừa để mở rộng tiêu dùng tăng luân chuyển hàng hóa.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, tới đây, TP sẽ tiếp tục đưa ra một loạt biện pháp để tháo gỡ sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm trong 3 tháng cuối năm. Đó là hỗ trợ lãi suất thực hiện chương trình bình ổn giá, đồng thời có chính sách hỗ trợ lãi suất cho DN, giảm, hoàn, giãn tiến độ thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, thuế, ưu tiên bảo đảm ổn định cho sản xuất; thực hiện kế hoạch phân phối hợp lý, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của sản xuất và đời sống và các mục tiêu an sinh xã hội. UBND TP giao Sở KH&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành Tài chính, Công Thương, chi nhánh NHNN Thành phố… nghiên cứu, đến 30/10 trình các phương án để UBND TP báo cáo với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Ngày 3/10, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã ký ban hành Quyết định số 4406 QĐ - UBND sửa đổi bổ sung một số điều về hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các DN của Hà Nội. Đây là lần quyết định thứ ba tiếp theo Quyết định số 5478/QĐ-UBND ngày 24/11/2011 và số 2650/QĐ-UBND bổ sung ngày 14/6/2012 nhằm tạo điều kiện cho DN được tiếp cận vốn hơn nữa.