Bất cập những quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặt ra khá nhiều quy định với mục tiêu không biến Việt Nam thành “bãi rác” công nghệ” song dự thảo sửa đổi Thông tư 20/2014 của Bộ KH&CN lại vấp phải ý kiến phản đối từ hầu hết các DN và giới nghiên cứu.

Rào cản doanh nghiệp đầu tư

Thông tư 20/2014 được Bộ KH&CN ban hành ngày 15/7/2014, quy định về việc nhập khẩu (NK) máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014, Thủ tướng đã nhất trí tạm dừng thực hiện Thông tư này và yêu cầu Bộ KH&CN sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đến nay, dù đã qua một thời gian khá lâu chỉnh sửa song dự thảo sửa đổi vẫn chưa nhận được sự đồng tình từ các bên liên quan.
Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. 	Ảnh: Thanh Hải
Dây chuyền sản xuất điện thoại di động tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Hải
Theo ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, Thông tư 20 có nhiều điểm không logic, còn có sự phân biệt giữa DN Nhà nước với các DN thuộc khu vực khác, tạo ra tâm lý không bình đẳng giữa các DN. Thông tư 20 có mục đích tốt là ngăn chặn tình trạng DN NK máy móc cũ kỹ, lạc hậu biến Việt Nam thành “bãi rác” công nghệ, tuy nhiên, do đặt ra các quy định máy móc và không rõ ràng, thiếu tính khả thi nên các chuyên gia lo ngại đây sẽ là rào cản đầu tư đối với DN. “Nếu sợ DN Nhà nước mua đồ cũ như Vinashin thì chúng ta đã có Luật Đầu tư công kiểm soát toàn bộ đầu tư từ vốn Nhà nước” – ông Mại nói.

Năm 2015 được tin tưởng là năm thu hút mạnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi hàng loạt tập đoàn chuyển hướng kinh doanh từ Trung Quốc sang các quốc gia châu Á khác và Việt Nam là một trong những điểm đến được chú ý. Microsoft, Samsung đã chuyển khỏi Trung Quốc và mở rộng nhà máy tại Việt Nam, nhà máy Micosoft từ 150 triệu USD chuyển thành 1,5 tỷ USD. “Không cơ quan hay tổ chức giám định nào đủ năng lực để kiểm tra dây chuyền sản xuất của họ chất lượng ra sao nếu không phải chính họ?” – ông Mại phân tích. Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Bảo - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam cho rằng, DN không dư tiền để NK cả dây chuyền, máy móc cũ hàng trăm triệu USD về đắp chiếu, không sản xuất, kinh doanh được. Do đó, ông Bảo kiến nghị không nên đặt thêm rào cản cho hoạt động của DN.

Nên xem xét bãi bỏ

Tại một hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Thông tư 20 do VCCI tổ chức mới đây, đại diện của Microsoft và một số DN Hàn Quốc tại Việt Nam đã lên tiếng cho rằng, quy định tại dự thảo sửa đổi chưa rõ ràng và tạo ra rào cản đối với quyết định đầu tư tại Việt Nam của những DN này. “Bộ KH&CN nên xem xét lại việc có cần thiết ban hành Thông tư này không?” – đại diện Microsoft đặt vấn đề.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 20 quy định điều kiện NK máy móc, thiết bị đã qua sử dụng đối với DN Nhà nước là: Thời gian sử dụng không quá 10 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên. Còn đối với tổ chức ngoài DN Nhà nước, cá nhân NK, thì thiết bị cần đáp ứng một trong 2 tiêu chí sau: Thời gian sử dụng không quá 10 năm, hoặc chất lượng còn lại từ 80% trở lên. Theo ông Nguyễn Công Tuấn - Hiệp hội In Việt Nam, nếu lấy tiêu chí thời gian để đánh giá chất lượng máy móc thì rất nhiều DN ngành in bị ảnh hưởng, vì thực tế nhiều máy móc đã ra đời 40 - 50 năm nhưng vẫn hoạt động tốt: “Chỉ tính riêng khâu hoàn thiện sản phẩm của ngành in thì 80 - 85% thiết bị NK về có tuổi đời từ 20 - 25 năm nhưng vẫn hoạt động tốt”.

Chia sẻ ý kiến này, ông Nguyễn Đức Thịnh - đại diện Hiệp hội Cơ khí chế tạo cũng cho rằng: “Rất khó để đánh giá máy móc còn 80% hay bao nhiêu phần trăm. Chưa kể, tỷ lệ quy định này là quá cao với máy móc đã qua sử dụng. Trong điều kiện hiện nay, nếu máy móc đó đáp ứng yêu cầu về an toàn, tiết kiệm năng lượng, môi trường thì vẫn nên cho nhập”.

Thiết nghĩ, việc ban hành các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng NK máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cũ kỹ, lạc hậu là cần thiết, song nếu quy định ấy bất hợp lý, không khả thi, không phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay của nhiều DN, thậm chí đẩy DN vào tình cảnh khó khăn thì cơ quan soạn thảo cần xem xét lại tính cấp thiết của Thông tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần