Bất cập trong quản lý chất thải rắn

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP Hà Nội, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể. Song, với các loại chất thải rắn như phế thải xây dựng, rác thải cồng kềnh… vẫn là bài toán chưa có phương thức xử lý rõ ràng.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Nhằm nâng cao chất lượng thu gom, duy trì vệ sinh môi trường (VSMT), trong những năm qua, TP Hà Nội đã chuyển từ cơ chế đặt hàng sang đấu thầu cạnh tranh. Nhờ đó, bộ mặt đô thị đã từng bước được cải thiện, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.

Song, theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, hiện nay công tác thu gom xử lý rác thải vẫn đang bộc lộ rất nhiều bất cập, đặc biệt là chất thải rắn, thậm chí là những càng cây khô chết tự nhiên hay do thiên tai… Theo lý giải của các chuyên gia, việc thầu thu gom xử lý rác thải trên địa bàn TP hiện mới chỉ dừng lại ở rác thải sinh hoạt mà chưa đề cập đến các loại chất thải rắn.

Rác thải rắn bị đổ trộm tràn ra sát mép sông tại ngõ 120 Trường Chinh. Ảnh: Công Trình
Rác thải rắn bị đổ trộm tràn ra sát mép sông tại ngõ 120 Trường Chinh. Ảnh: Công Trình

Đây cũng là điều được đại diện một số đơn vị duy trì VSMT trên địa bàn TP thừa nhận qua trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị. Cụ thể, đại diện một số đơn vị (xin giấu tên) cho hay, đối với các “điểm đen” về rác thải sinh hoạt, đơn vị duy trì VSMT phụ trách địa bàn xử lý. Song, đối với các khu vực bị đổ trộm chất thải rắn - những loại rác không nằm trong bài thầu, việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có sự chỉ đạo, cam kết từ chủ đầu tư.

"Do không nằm trong bài thầu nên nếu tự ý thu gom, vận chuyển, xử lý những loại rác đó, đơn vị thu gom có khả năng sẽ không được thanh toán khối lượng công việc đã làm. Do đó, đơn vị chỉ thực hiện khi được sự chỉ đạo, thống nhất bằng văn bản của chủ đầu tư để có cơ sở thanh toán khối lượng công việc phát sinh, ngoài gói thầu" - đại diện một đơn vị duy trì VSMT cho biết và cũng bày tỏ gặp không ít khó khăn trong việc tổ chức thu gom rác thải là cành cây, thân cây bị đổ gãy...

Bởi lẽ, về nguyên tắc, khối lượng công việc trên sẽ do công ty cây xanh phụ trách nhưng công ty cây xanh lại cho rằng, đây là rác thải đô thị, trách nhiệm của đơn vị duy trì VSMT để từ chối thực hiện…

Sớm vá những lỗ hổng

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho biết, việc quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và chất thải rắn xây dựng nói riêng được giao cho Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT thực hiện. Và để thực hiện vấn đề này, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư 08/2017/TT-BXD Quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng.

Theo đó, các chủ đầu tư, nhà thầu chính có trách nhiệm lập kế hoạch quản lý chất thải rắn xây dựng, phân loại, thu gom, xử lý và tái chế chất thải rắn xây dựng phát sinh trên công trường hoặc ký hợp đồng với chủ thu gom xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa phần các hộ gia đình nhỏ lẻ thường thuê những người điều khiển xe thồ, xe ba bánh vận chuyển rác thải rắn xây dựng nhưng những người này thường “tiện đâu đổ đấy", chứ không mang ra các bãi tập kết rác.

Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay công tác tái chế, xử lý chất thải rắn xây dựng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, nguồn lực hạn chế, gây lãng phí nguồn lực kinh tế. Do đó, chúng ta cần nhìn nhận chất thải rắn xây dựng như là nguồn tài nguyên và cần tái sử dụng một cách hiệu quả. Bởi, tại nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng công nghệ tiên tiến để tái sử dụng chất chất thải rắn xây dựng thành những vật liệu mới, phục vụ cho hoạt động xây dựng.

Theo Luật sư Lê Văn Hợp - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TN&MT), khác với các luật trước đây, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Chậm nhất ngày 31/12/2024, UBND cấp tỉnh phải quyết định việc phân loại cụ thể đối với “chất thải rắn sinh hoạt khác” (loại thứ 3) trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.

Đồng thời có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân. Để bảo đảm tính khả thi, Luật đã đưa ra một số quy định về cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện, như tại các điểm tập kết chất thải.

Nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm (thông qua hệ thống camera giám sát).

 

"Ngoài sự thiếu ý thức trách nhiệm của một bộ phận chủ đầu tư, người dân thì việc thiếu các bãi tập kết, trung chuyển chất thải rắn xây dựng, sự thiếu quyết liệt của chính quyền các địa phương trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác phế thải xây dựng, rác thải cồng kềnh bị tập kết, đổ trộm tràn lan gây mất VSMT, mỹ quan đô thị." - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, PGS.TS Bùi Thị An

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần