Bất cập trong quy định pháp luật gây khó cho chống buôn lậu

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để có thể ngăn chặn hàng lậu đòi hỏi trong thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành cần hoàn thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật... Đó là ý kiến của các đại biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến "Chống buôn lậu-giải pháp trong những tháng cuối năm" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 14/11.

Hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ do lực lượng chức năng trên địa bàn bắt giữ, tiêu hủy. Ảnh Internet.
Thông tin từ Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại quốc gia (BCĐ 389) cho thấy: Trong 10 tháng qua, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện 172.000 vụ buôn lậu tăng 2% so với cùng kỳ, thế nhưng hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay: Trước đây hàng lậu thường được vận chuyển bằng đường bộ, thì hiện nay hàng lậu được vận chuyển bằng cả đường bộ, đường thủy và hàng không. Ngoài ra, hoạt động buôn lậu được tổ chức khép kín và các ông trùm rất ít lộ diện.
Thực tế chống buôn lậu trong thời gian qua cho thấy, việc bắt giữ đã khó, việc xử lý các đối tượng buôn lậu còn khó hơn, thống kê cho thấy, số vụ khởi tố trong 10 tháng qua chỉ chiếm chưa tới 10% trên tổng số vụ việc bắt giữ. Nguyên nhân là do một số quy định luật pháp và văn bản dưới luật còn chồng chéo, thiếu cụ thể gây khó cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý. Khi nói về vấn đề này, Trung tướng Đồng Đại Lộc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nêu ví dụ: Nghị định 43/2009/NĐ-CP đã đưa "thuốc lá điếu nhập lậu" vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Tại Điều 9 của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 cũng quy định "mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu" là những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 không quy định cấm đầu tư kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong khi lại quy định "kinh doanh sản phẩm thuốc lá" là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Việc này gây hiểu nhầm là kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu thuộc ngành nghề có điều kiện.
Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cũng không loại trừ có sự tiếp tay của một số cán bộ chức năng tại biên giới để hàng lậu có thể lọt vào thị trường nội địa, gây khó cho công tác đấu tranh, ngăn chặn. Khi nói đến những khó khăn trong công tác chống hàng lậu, ông Nguyễn Trọng Tín Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết: Thời gian qua đã bắt được nhiều vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm như ngà voi, sừng tê giác... qua cảng hàng không Nội Bài. Tuy nhiên, do đây là hàng cấm, không có cơ sở dữ liệu về giá, không định được giá, cho nên khó áp mức xử phạt nặng cho các đối tượng. Một thực tế khác, theo quy định lực lượng chức năng muốn khám phương tiện vận chuyển thì chỉ cấp trưởng mới được ra quyết định, nhưng khi cấp trưởng "đi vắng", đội chức năng nghi ngờ đối tượng có dấu hiệu buôn lậu lại không được phép kiểm tra, ảnh hưởng đến tính kịp thời trong việc kiểm tra, xử lý buôn lậu...
Để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, ông Đàm Thanh Thế cho biết, từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng sẽ đẩy nhanh việc xử lý các vụ án, làm rõ các đối tượng phạm tội. Cùng với đó sẽ mở các đợt cao điểm, tấn công mạnh vào các đường dây, ổ nhóm từ biên giới và các tuyến buôn lậu trọng điểm, qua đó ngăn chặn hoạt động đưa hàng lậu vào Việt Nam.
Tại thị trường nội địa, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) khẳng định: Quản lý thị trường sẽ xác định các mặt hàng trọng điểm về buôn lậu để từ đó có giải pháp ngăn chặn một cách hiệu quả. Cụ thể, các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm sẽ có những chuyên đề riêng để thực hiện công tác đấu tranh và ngăn chặn từ xa.