70 năm giải phóng Thủ đô

Bất cập từ cơ chế đến thực tiễn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 5/10, đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội đã làm việc với Sở Xây dựng và quận Thanh Xuân về thực hiện pháp luật trong quản lý nhà chung cư, đầu tư và quản lý nhà chung cư tái định cư (TĐC) trên địa bàn.

Chồng chéo trong quản lý

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 320 nhà chung cư mới xây dựng từ năm 2001 đến nay. Hiện đang có 3 mô hình quản lý nhà chung cư: Chủ đầu tư trực tiếp quản lý, hợp tác xã quản lý, Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý (chủ yếu là nhà chung cư TĐC và nhà xã hội do ngân sách đầu tư). Thành phố đã triển khai thực hiện thí điểm đề án tổ chức quản lý, vận hành khai thác nhà TĐC tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân). Sau 2 năm thí điểm, Sở tiếp tục đề xuất phương án thực hiện trong thời gian tới theo hướng giao cho chính quyền địa phương quản lý hạ tầng kỹ thuật theo quy định về phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn và thành lập 19 ban quản trị cho 19 tòa nhà chung cư TĐC.

Từ thực tế các quận, huyện cũng như Sở Xây dựng chỉ ra, việc quản lý nhà chung cư, ngoài những bất cập về cơ chế quản lý, còn do các chủ đầu tư chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định như chưa hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà, chưa thành lập ban quản trị, công khai, minh bạch trong việc phân định diện tích sở hữu chung, riêng. Sở kiến nghị thành phố cho phép mỗi quận, huyện thực hiện thí điểm quản lý sử dụng, vận hành một khu chung cư TĐC tập trung trong thời hạn 3 năm để tổng kết, rút kinh nghiệm.

Đùn đẩy trách nhiệm

Tại hội nghị, các thành viên đoàn giám sát đã chỉ ra những bất cập khác như chất lượng nhà TĐC quá thấp, việc chậm khắc phục sửa chữa hư hỏng và trách nhiệm của Sở Xây dựng trong công tác quản lý. Cùng với đó, theo đoàn giám sát, giá trần dịch vụ đang được thực hiện theo Quyết định số 4520 (ngày 29/9/2011) của thành phố đã bộc lộ những điểm không hợp lý. Giải thích cho vấn đề này, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết: Sở đang tiếp tục tiến hành kiểm tra, khảo sát tại các nhà chung cư, đã tham mưu thành phố và gửi Bộ Xây dựng đề nghị cho phép UBND TP công bố đơn giá dịch vụ nhà chung cư.

Tiếp thu nhiều vấn đề chưa làm được để khắc phục và hoàn thiện, nhất là trong việc việc kiểm soát chất lượng nhà, vận hành, bảo hành, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho biết, Sở đã trình thành phố đề án làm các khu TĐC tập trung hoặc trong các khu đô thị đã có hạ tầng. Đồng thời, áp dụng mô hình quản lý theo hướng là chủ đầu sẽ chịu trách nhiệm quản lý đến cùng khu TĐC mình xây dựng với mức phí bảo trì 2%. Thành phố chỉ có trách nhiệm lo tiếp cho quỹ nhà chung cư TĐC đã có.

Chia sẻ với ngành xây dựng, nhưng Trưởng đoàn giám sát Nguyễn Văn Nam cũng đề nghị Sở Xây dựng tích cực, chủ động tham mưu cho thành phố bổ sung, ban hành các văn bản và thực hiện theo chức năng quản lý của Sở. Đặc biệt, cần có nhiều mô hình ban quản trị khác nhau trong quá trình vận hành cho phù hợp với tình hình thực tiễn.