Điểm sáng giữa bức tranh Covid-19 ảm đạm
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối của Việt Nam năm 2021 có thể tăng khoảng 4,5% so với năm 2020 (ước đạt khoảng 18 tỷ USD). Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu suốt 2 năm qua, đây được coi là con số tăng trưởng ấn tượng, cho thấy nhu cầu kiều hối của người dân luôn ở mức cao.
Lượng kiều hối tăng đều đặn bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 cũng là điểm sáng được nhắc đến trong báo cáo của HSBC Global Research mới đây về thị trường Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam là nước nhận kiều hối cao thứ 3 ở châu Á với tổng giá trị chuyển về đạt 18 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc và Philippines. Trong giai đoạn như hiện nay, kiều hối ổn định là nguồn hỗ trợ có giá trị cho tài khoản vãng lai của Việt Nam.
Nguồn kiều hối vẫn về đều đặn năm nay có nguyên nhân từ việc Việt Nam trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội diện rộng, nên kiều hối được gửi về để hỗ trợ người thân. Đồng thời, kiều bào cũng như lao động ở nước ngoài lo ngại những bất trắc xảy ra khi dịch bệnh bùng phát ở các nước, do đó có nguồn tiền tích lũy là chuyển về nước, khiến dòng kiều hối vẫn tăng trưởng trong thời kỳ dịch bệnh. Không những thế, mỗi năm số lượng kiều bào về quê thăm người thân, đi du lịch rất cao.
“Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn, nhưng kiều hối về Việt Nam vẫn khả quan, do vaccine được phủ trên diện rộng. Vì thế, nhiều người Việt ở nước ngoài có thể đi làm và kinh doanh trở lại để tăng thu nhập. Trong khi đó, họ không thể về Việt Nam theo kế hoạch, nên chuyển tiền về, thay vì mang tiền mặt về như mọi năm. Đó cũng là lý do vì sao doanh số kiều hối tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường châu Á, châu Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng kiều hối chảy về Việt Nam”- lãnh đạo Công ty Kiều hối Sacombank (SBR) cho biết.
Thêm dịch vụ mới đón dòng kiều hối
Một trong những kênh kiều hối về Việt Nam hiện nay là thông qua các tổ chức chuyển tiền nhanh với chi phí khá cao từ 4% đến 6%/tổng số tiền chuyển. Hoặc cả người nhận và người chuyển phải trực tiếp tới ngân hàng để hoàn tất các thủ tục gửi - nhận tiền… Đây được coi là một trong những cản trở cho việc thu hút nguồn kiều hối.
Hiện, nhiều ngân hàng đã tận dụng lợi thế của nền tảng công nghệ để giúp khách hàng có thể nhận tiền trực tiếp về tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng, góp phần tăng trưởng lượng kiều hối về Việt Nam.
Mới đây, PVcomBank và FinFan đã hợp tác với nhau về nền tảng công nghệ để phát triển dịch vụ nhận tiền kiều hối trực tiếp qua tài khoản thanh toán. Theo đó, kiều hối khi chuyển qua hệ thống của FinFan sẽ được PVcomBank chuyển ngay vào số thẻ, số tài khoản thanh toán trong nước của khách hàng. Khách hàng cũng không cần trực tiếp tới đơn vị chuyển phát nhanh để thực hiện chuyển – nhận tiền, không mất nhiều công sức, thời gian để thao tác nộp số tiền lớn vào tài khoản ở ngân hàng.
Tại Việt Nam, FinFan đã kết nối và hợp tác sử dụng nền tảng công nghệ, nhân sự của PVcomBank – một trong những đơn vị tài chính uy tín nằm trong hệ thống Napas để phát triển dịch vụ nhận tiền kiều hối, mang đến nhiều trải nghiệm thuận tiện hơn cho khách hàng.
Ngoài ra, các sản phẩm truyền thống đón dòng kiều hối cuối năm cũng được các ngân hàng cải tiến để phù hợp với tình hình mới.
Để thu hút nguồn kiều hối dịp Tết Nguyên đán, SBR, ACB, Eximbank... đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi thu hút khách hàng. Eximbank triển khai chương trình “Kiều hối phát tài - Lì xì như ý” từ ngày 1/12/2021 đến ngày 31/1/2022, với quà tặng là bao lì xì may mắn dành cho khách hàng cá nhân nhận tiền kiều hối MoneyGram tại các điểm giao dịch của Eximbank trên toàn quốc. Từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 10/3/2022, khách hàng sử dụng dịch vụ nhận kiều hối của Công ty Kiều hối Sacombank sẽ có cơ hội tham gia quay số trúng thưởng may mắn với tổng giá trị giải thưởng lên đến 300 triệu đồng.