Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bất chấp lệnh cấm, nhiều địa phương để xảy ra đốt pháo

Công Tâm - Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp lệnh cấm đốt pháo nổ, ở nhiều địa phương trong cả nước vẫn để xảy ra tình trạng đốt pháo nổ vang trời suốt thời gian đón giao thừa Tết Mậu Tuất 2018. Một số địa phương đã phải xử lý người đốt pháo, nhưng nhiều địa phương khác xử lý không xuể.

Đặc biệt ở tại các tỉnh biên giới, pháo nổ, nhiều nhất là pháo bông cá nhân vẫn được người dân đốt để chào đón thời khắc Giao thừa. Pháo được đốt nhiều nhất là ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… Một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên như Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum… pháo nổ vang trời mừng giao thừa.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Tại Bình Định, nhiều huyện thị người dân gần như vô tư đốt pháo, chủ yếu là loại pháo bông loại 36 quả do Trung Quốc sản xuất và pháo nổ. Trên thực tế rất khó xử lý việc đốt pháo, dù đã có quy định rất rõ ràng của Thủ tướng Chính phủ, cấm sản xuất, lưu thông, đốt pháo nổ từ 1/1/1995 (trừ các loại pháo hoa và các loại thuốc làm pháo hoa). Trên thực tế, người dân đốt chủ yếu là các loại pháo bông nhưng đây là loại pháo bông phát nổ khi được bắn lên không trung, có nghĩa là pháo bông cũng gần như pháo nổ!

Hà Tĩnh được coi là một trong những địa phương tích cực nhất vào cuộc xử lý những người đốt pháo trong đêm giao thừa. Cụ thể, tại thị xã Kỳ Anh, công an địa phương đã xử lý hành chính 58 người đốt pháo. Tương tự, 17 người cũng bị lập biên bản tại huyện Nghi Xuân. Pháo nổ nhiều nhất trong đêm giao thừa là ở các tỉnh gần biên giới. Tình trạng buôn lậu pháo Trung Quốc là nguyên nhân đưa pháo từ nước này nhập lậu vào nhiều tỉnh, TP ở nước ta. Riêng tỉnh Nghệ Anh, trước Tết nguyên đán đã xử lý 418 vụ, với hơn 500 người vì buôn bán pháo lậu. Nhiều tỉnh thành khác như Lạng Sơn, Quảng Ninh… đều đã quyết liệt xử lý nhiều vụ buôn bán pháo lậu nhưng không xuể, khiến pháo Trung Quốc nhập lậu tràn ngập các địa phương.

Ngày 17/2 (tức Mùng 2 Tết), tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cho biết, cơ sở y tế này đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị tổn thương do gặp nạn khi chơi pháo nổ, trong đó có người trong tình trạng nguy kịch.
Theo thông tin trên, sau đêm Giao thừa (30 Tết) vừa qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đã tiếp nhận và điều trị tích cực cho 4 bệnh nhân bị pháo nổ gây bỏng mắt, nguy kịch. Đặc biệt, trong số các bệnh nhân trên có một bệnh nhân bị tổn thương mắt nặng nhất: mắt trái bị vỡ nhãn cầu; hai trường hợp hai mắt bỏng kết giác mạc độ 2 và trường hợp còn lại mắt trái bị xuất huyết.
Bác sĩ Trần Ánh Dương, Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới cho biết, tai nạn thương tích do pháo rất phức tạp, vào mắt sẽ để lại di chứng, dẫn đến mù lòa rất cao, để lại di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức lao động, khả năng nhìn, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Rất may, các nạn nhân được đưa tới bệnh viện cấp cứu kịp thời và được sự chăm sóc tận tình, chu đáo của đội ngũ y, bác sĩ nên hiện cả 4 bệnh nhân đều đã qua cơn nguy kịch, tình trạng sức khỏe của họ đã dần bình phục. Tuy nhiên, đây chính là lời cảnh báo cho những người vẫn còn giữ thói quen nghịch đốt pháo trong những ngày Tết.
Trong một diễn biến khác, cũng liên quan đến tình trạng đốt pháo, Bác sĩ Võ Hòa Khánh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM cho biết, vào chiều 29 Tết, cơ sở y tế này cũng tiếp nhận một bệnh nhân nhập viện trong  tình trạng dập nát bàn tay trái, trật khớp bàn ngón một, gãy xương đốt ngón 3. Nguyên nhân gây thương tích do đốt pháo gây ra.
Các bác sĩ đã phải cắt lọc, khâu vết thương các ngón, nẹp bột ngón 3. Các bác sĩ phẫu thuật phải cắt lọc rửa phần vết thương gây dập nát nhiều nơi trên bàn tay, cơ mô, động mạch đứt mất. Hiện vết thương cơ bản đã được xử lý, bác sĩ tiên lượng một ngón tay trái hoại tử.