Bất chấp Triều Tiên thử hạt nhân, người Hàn Quốc vẫn thờ ơ

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tài chính, bệnh tật, sự cô đơn và các vấn đề về mối quan hệ là mối quan tâm chính ở Hàn Quốc. Đe dọa từ Triều Tiên không được xem là quan trọng.

Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử bom hạt nhân thứ 6 và cũng là vụ thử có cường độ mạnh nhất, You Jae-youn, một nhân viên văn phòng Hàn Quốc 32 tuổi nhanh chóng chuyển mối quan tâm sang các lo lắng thường ngày.
“Chúng tôi đã có đủ các mối lo lắng cho cuộc hàng hàng ngày. Cá nhân tôi lo lắng về giá thực phẩm tăng lên hơn là Triều Tiên”, You - đang sống ở thành phố Sejong, miền Trung Hàn Quốc nói.
 Người Hàn Quốc đau đầu với nỗi lo hàng ngày hơn là Triều Tiên.
Với hầu hết người dân Hàn Quốc - đang sống cùng nguy cơ chiến tranh với người hàng xóm sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa trong nhiều năm - mối quan tâm hàng đầu khiến họ trằn trọc vào mỗi đêm vẫn là công việc, nền kinh tế và áp lực đi cùng với sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc kể từ khi kết thúc chiến tranh với Triều Tiên vào năm 1953.
Các thống kê cho thấy, người Hàn Quốc ngày càng trở nên thờ ơ với mối đe dọa chiến tranh, không biết về các cuộc tập trận phòng vệ dân sự và ít người cho rằng sẽ có một cuộc xung đột nổ ra.
Theo cuộc thăm dò của Gallup Hàn Quốc vào đầu tháng này, 58% người dân Hàn Quốc không cho rằng một cuộc chiến nữa sẽ nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, bất chấp sự gia tăng các vụ thử tên lửa dưới triều đại nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
"Mặc dù nhiều người nói chiến tranh giữa 2 nước chưa kết thúc về mặt kỹ thuật nhưng thế hệ chúng tôi chưa bao giờ thấy chiến tranh. Nó có vẻ như là một thực tế mơ hồ", Kim Hye-ji, một nhà thiết kế đồ họa 27 tuổi nói. "Tất cả bạn bè của tôi đều lo lắng về công việc của họ hơn”, nhà thiết kế đồ họa nói thêm.
Nền kinh tế công nghệ cao và xuất khẩu của Hàn Quốc hiện đang phải vật lộn để cải thiện tốc độ tăng trưởng chậm, đe doạ sẽ trở thành một xu hướng dài hạn.
An ninh việc làm là mối quan tâm khác khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh thiếu niên đã tăng 4 năm liên tục từ năm 2013 đến 2016.
Sự suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến môi trường làm việc trở nên cạnh tranh, khiến gia tăng tỷ lệ tự tử và tình trạng căng thẳng ở người Hàn Quốc. Tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc gấp đôi tỷ lệ của Mỹ và gần gấp 4 lần tỷ lệ của Anh hồi năm 2015.