Bắt đầu từ mỗi gia đình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ đề cho Tháng hành động vì trẻ em năm 2014 (từ 1 - 30/6) vừa được đưa ra là "Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em". Đây không phải chủ đề mới, nhưng được cho là chọn trúng vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận.

Thói quen… tệ

Theo những con số thống kê được các cơ quan quản lý đưa ra cho thấy, bình quân mỗi năm có từ 3.000 - 4.000 vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, trong đó có những vụ nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong dư luận, bởi các em trở thành nạn nhân từ chính người thân.

Ngay từ mỗi gia đình, nhiều khảo sát cho thấy, có đến 1/4 những người được hỏi cho biết, mình thường xuyên đánh, mắng con, gần 70% thỉnh thoảng có làm việc này. Tuy không phải trẻ nào bị đánh cũng mắc bệnh sợ bố mẹ,  nhưng cũng không ít do bị đánh chửi quá nhiều lần và vô căn cứ trở nên sợ hãi khi đứng trước bố mẹ. Điều đáng buồn là nó đang trở thành một hiện tượng bệnh lý, lúc nào trẻ cũng có cảm giác mình bị chà đạp, bị bỏ rơi.
Mỗi gia đình nên tạo cho con trẻ những sân chơi bổ ích. Ảnh: Phạm Hùng
Mỗi gia đình nên tạo cho con trẻ những sân chơi bổ ích. Ảnh: Phạm Hùng
 
Bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bạo hành, lạm dụng là vấn đề không của riêng ai mà là trách nhiệm chung của cộng đồng, của toàn xã hội và mỗi người.
Một người phụ nữ tâm sự, chị cũng không hiểu sao tình yêu của đứa con dành cho chị cứ ngày một ít đi. Cuộc sống nhiều lúc mệt mỏi, bực tức, không kìm chế được chị thường trút cơn giận lên đứa con. Hàng ngày, đón con ở lớp về, thả xuống cổng là nó đứng khép nép ngoài đó không dám đi vào nếu chị chưa cho phép. Nhìn vào mắt con, những lúc ấy cảm giác mình giống như một “hung thần”, khiến chị phải bình tâm suy nghĩ lại.

Câu chuyện ấy không phải cá biệt, với không ít người, đánh mắng con được coi là một phương pháp để khẳng định quyền lực của mình với con cái hoặc cũng có thể do không biết cách kỷ luật theo hướng tích cực. Song nó lại ảnh hưởng tiêu cực tới tinh thần của trẻ, khiến chúng khép kín mình lại, tránh thật xa mẹ.

Thay đổi quan niệm

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng bạo lực với trẻ em, nhiều chuyên gia cho rằng, chính tâm lý "thương cho roi cho vọt" vẫn ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người, khiến cho các ông bố, bà mẹ có thể đánh đập con vì nhiều nguyên nhân. Nhưng điều mà trẻ học được từ những trận đòn ấy lại luôn là những bài học xấu. Về mặt cảm xúc, khi nghe những lời mắng nhiếc, trẻ cảm thấy lo lắng, bị hạ thấp lòng tự trọng và cảm thấy tự ái. Để tránh cho trẻ trước nguy cơ bạo lực, cần sự thay đổi từ chính trong mỗi gia đình. Trước hết, người lớn cần thay đổi cách cư xử với con trẻ, lựa chọn những hình thức kỷ luật khoa học... Rộng ra ngoài xã hội, nhiều người cho rằng, tình trạng bạo lực với trẻ không dứt là do việc xử lý đối với người xâm hại trẻ em bị nương nhẹ, chưa có tác dụng răn đe hoặc giáo dục. Điều đó được chỉ ra do hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em thiếu cụ thể, còn nhiều khoảng trống. Mỗi năm, tháng hành động vì trẻ em đều nhằm phát động toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, giúp trẻ em được sống trong môi trường an toàn lành mạnh để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần. Song, con số trẻ em bị bạo hành và xâm hại vẫn gia tăng nhức nhối. Vậy, đâu là giải pháp có hiệu quả thiết thực để mục tiêu này không còn là khẩu hiệu. Theo các chuyên gia, cần sự vào cuộc của các ngành, các cấp và bắt đầu từ sự thay đổi quan niệm trong dạy dỗ còn cái của chính mỗi gia đình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần