70 năm giải phóng Thủ đô

Bất động sản cho thuê tại Hà Nội: Nhiều chủ sở hữu phải rao bán

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 xảy ra và kéo dài hơn 1 tháng nay với mức độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn, lại tiếp tục đẩy nền kinh tế nói chung, đặc biệt là thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng chìm sâu trong khó khăn. Tại Hà Nội, thị trường cho thuê “rớt đài” thảm hại, các chủ mặt bằng tiếp tục phải gia hạn thời gian giảm tiền thuê, thậm chí phải rao bán mặt bằng.

Tiếp tục giảm giá thuê

Anh Văn Bách - chủ một mặt bằng cho thuê tại phố Thái Hà cho biết, mình sở hữu một mặt bằng có diện tích khoảng 60m2 đang cần cho thuê gấp thích hợp làm siêu thị mini, cửa hàng, văn phòng, showroom... nhưng đăng tin môi giới từ nhiều ngày nay vẫn không có khách hỏi thuê, mặc dù giá thuê đã được hạ đến mức "kịch sàn". "Mặt bằng này trước đây cho thuê từ 30 - 40 triệu đồng/tháng, nhưng giờ tôi đang rao thuê với giá 10 triệu đồng/tháng mà cũng không có khách" - anh Văn Bách cho hay.
Nhiều mặt bằng cho thuê tiếp tục giảm sâu giá thuê. (Ảnh: Hữu Thắng).

Trong khi đó, mặt bằng lớn ở những trung tâm thương mại việc cho thuê càng trở nên khó khăn hơn, khiến chủ đầu tư buộc phải chia thành các ô nhỏ để phục vụ cả khách thuê nhỏ lẻ.
Đơn cử, như mặt bằng thương mại tại dự án chung cư số 43 Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã được tách ra thành những sàn thương mại đủ diện tích từ 50 - 220m2/sàn. Đây là tòa chung cư với hàng chục nghìn dân đang sinh sống, những tưởng là diện tích sàn thương mại có thể dễ dàng kinh doanh mặt hàng thiết yếu, nhưng theo đại diện Ban quản lý tòa nhà, mặt sàn diện tích nhỏ ở tầng 1 thì mới có khách thuê, còn lại toàn bộ diện tích mặt sàn tầng 2 - 3 vẫn đang bỏ trống.

"Giá thuê cũng thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng ban đầu của chủ đầu tư, một mặt sàn diện tích chừng 50m2 ở tầng 1 đang được cho thuê với giá 25 triệu đồng/tháng, nhưng nhiều khách thuê đang kiến nghị giảm giá" - vị đại diện này nói.

Nếu như mặt bằng kinh doanh bán lẻ tiếp tục rơi vào tình trạng ảm đạm, những mặt bằng kinh doanh khách sạn, lưu trú cũng ở tình trạng tương tự. Chị Kiều Anh - Cổ đông đầu tư thuê một khách sạn trên phố Nhà Thờ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trước khi đợt dịch lần thứ 4 xảy ra khách sạn đã bắt đầu đón khách trở lại, mặc dù chủ yếu là khách nội địa nhưng lượng tỷ lệ lấp đầy phòng cũng được khoảng 30 - 40%. Nhưng hơn 1 tháng nay, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khách sạn cũng đóng cửa luôn.

"Trước tình trạng như vậy vào cuối tháng 6 chúng tôi đã phải tiếp tục đàm phán với chủ nhà nới thêm thời gian giảm tiền thuê mặt bằng, rất may mắn là chúng tôi đã được chủ nhà chấp thuận, trong quý III này vẫn không phải trả tiền thuê mặt bằng" - chị Kiều Anh chia sẻ.

Đáng quan ngại hơn, từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát nhiều chủ mặt bằng kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống do không chịu được áp lực tài chính đang buộc phải rao bán mặt bằng, có thể kể đến như một khách sạn trên phố Đình Ngang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiêu chuẩn 3 sao, gồm: 30 phòng khách sạn, 4 phòng spa, 1 Sky Bar nhà hàng được quảng cáo là đầy đủ pháp lý hiện nay đang có hợp đồng cho thuê thời hạn 5 năm, nhưng do dịch bệnh khách thuê không kinh doanh được nên chủ sở hữu đã buộc phải rao bán.Thực tế còn rất nhiều khách sạn tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao khác cũng được đang rao bán gấp, không khó để tìm được một địa chỉ như vậy khi gõ từ khóa "bán khách sạn" cộng với địa chỉ muốn mua trên thanh tìm kiếm google.
Nhiều chủ mặt bằng do không chịu được áp lực tài chính đang phải đóng cửa kinh doanh và rao bán.

Chờ nguồn vaccine chống dịch

Ông Trần Minh Toán - Hội khách sạn du lịch phố cổ Hà Nội cho biết, hết đợt dịch thứ 3, nhiều chủ khách sạn đều kỳ vọng ngành du lịch sẽ trở lại, nhất là trong dịp hè khi nhu cầu du lịch trong nước lên cao. Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến kế hoạch kinh doanh bị phá sản, nhiều chủ sở hữu buộc phải ra bán mặt bằng khi không còn gồng gánh nổi áp lực tài chính. Nhìn chung các chủ sở hữu buộc phải rao bán mặt bằng đang phải chịu mức giá thấp hơn so với thời điểm cách đây 19 tháng (thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam - PV) từ 20 - 25%, cá biệt một số khách sạn tiêu chuẩn 3 sao mức giá giảm tới 30%.

"Tuy nhiên, cũng không dễ dàng gì cho các chủ mặt bằng muốn thanh khoản tài sản của mình, vì khách sạn có giá trị lớn, hạn chế về số lượng người mua, giao dịch diễn ra rất chậm khiến nhiều chủ mặt bằng tiếp tục bị chìm sâu trong khủng hoảng tài chính" - ông Vũ Minh Toán thông tin.

Theo Giám đốc Điều hành Bộ phận Đầu tư châu Á Thái Bình Dương (Công ty JLL) Nihat Ercan Nihat Ercan, những thông tin tích cực về việc triển khai vaccine tại nhiều khu vực, quốc gia, vùng lãnh thổ đang thắp lên hy vọng phục hồi ngành du lịch toàn cầu, thôi thúc các nhà đầu tư hành động nhanh để không bỏ lỡ cơ hội thâu tóm tài sản giá tốt. Nhờ vào những tác động từ vaccine sẽ tạo "đòn bẩy" đối với thị trường cho thuê nói chung và khách sạn du lịch nói riêng cùng với sự dồn nén "cơn khát" được đi du lịch, mua sắm của người dân dự kiến tạo ra một lượng nhu cầu dịch chuyển khổng lồ khi đại dịch được kiểm soát.

Theo khảo sát của VnExpress cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường BĐS cho thuê đang đứng trước cột mốc trầm lắng nhất thập kỷ, đà giảm giá thuê kéo dài từ năm 2020 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại do những tác động khó lường của Covid-19, khiến giá thuê nhà mặt phố lao dốc 40 - 50%. Kể từ đầu tháng 5/2021, đa phần chủ sở hữu mặt băng kinh doanh cho thuê lại tiếp tục phải điều chỉnh giảm giá thêm từ 20 - 30%, áp dụng ngắn hạn trong đợt giãn cách, nhưng tình trạng bỏ trống hàng loạt vẫn diễn ra.

Các chuyên gia đều có chung quan điểm trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh như hiện nay, thị trường mặt bằng cho thuê nói riêng vẫn đang rất cần vào sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như dựa vào nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng.

"Động lực của nhà đầu tự tin, rằng đây là thời điểm thích hợp để sáp nhập các tài sản khách sạn. Tuy nhiên, rất nhiều khách sạn đang được định giá quá cao khiến nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy khá sốc với mức giá bán thiếu hợp lý và lợi nhuận rất thấp khi vận hành của khách sạn tại Việt Nam. Vì vậy, trong tương lai gần, cuộc khủng hoảng này chưa có dấu hiệu kết thúc" - Nhà sáng lập và CEO của Dome Hospitality, Eric A. Baumgartner

Tỷ suất lợi nhuận cho thuê trung bình năm 2021 dự báo chỉ đạt khoảng 4%, thấp hơn rất nhiều so với năm 2020 (5%) và thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng. Trong đó hệ số sinh lời của một số sản phẩm thấp ở mức kỷ lục, như: Nhà phố cho thuê xuống 1,9%, tỷ suất sinh lời của căn hộ cho thuê giảm còn 1,2% so với ba năm trước.