Thị trường “ngập” các sản phẩm BĐS cần bán
Ngay sau khi TP Hồ Chí Minh trở lại với trạng thái bình thường mới, các “ông lớn” trong làng môi giới BĐS đã trở lại một cách mạnh mẽ. Các trang mạng chuyên môi giới mua bán nhà phố, mặt bằng, đất nền tràn ngập thông tin chào bán BĐS.
Hàng ngàn BĐS đang cần bán được niêm yết tại một sàn giao dịch. |
Ghi nhận tại hệ thống sàn giao dịch BĐS của Thiên Minh Group, có hơn 2.000 BĐS giá trị lớn đang được chào bán. Trong đó, chủ yếu là các khách sạn, nhà phố, mặt bằng lớn… toạ lạc tại vị trí đắc địa trên bàn các quận trung tâm.
Khảo sát tại một số sàn giao dịch BĐS chuyên môi giới mua bán đất nền dự án, nhà phố trên địa bàn TP Thủ Đức cũng ghi nhận hiện tượng tương tự. Sau gần nửa năm bị bất động bởi quy định giãn cách, ngay khi trở lại thị trường BĐS bị “ngập” trong hàng hoá cần bán.
Anh Nguyễn Mãn - Giám đốc sàn giao dịch BĐS trên đường Nguyễn Thị Định, TP Thủ Đức (quận 2 cũ), cho biết: “Tôi làm nghề môi giới gần 20 năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy hiện tượng nguồn hàng cần bán nhiều như hiện nay. Kể cả thời điểm thị trường BĐS đóng băng như các năm 2012-2013, nguồn hàng cần bán cũng nhiều nhưng vẫn chưa là gì so với hiện nay. Đây là thời điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư, nguồn hàng phong phú, họ có thể tìm thấy các BĐS đẹp, tiềm năng".
Theo khảo sát thực tế của phóng viên, trước đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4, giá đất nền một số khu vực thuộc TP Thủ Đức, đặc biệt là khu vực trung tâm hành chính (thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 cũ) đã tăng liên tục trong suốt 2 năm, kể từ khi việc thành lập TP Thủ Đức được công bố. Hiện tại, mặt bằng giá đất nền khu vực trung tâm hành chính TP Thủ Đức đã đứng lại.
Người bán đã không còn ở thế trên
Trao đổi qua điện thoại, anh Nguyễn Phú Cường – Giám đốc một hệ thống sàn giao dịch BĐS cho biết, thị trường đang có những biến động mạnh trong phân khúc BĐS có giá trị lớn. Những BĐS có giá từ 2 triệu USD trở lên càng khó xoay trở, đổi chủ trong hoàn cảnh hiện nay. Mấy tháng nay, do dịch bệnh nên tình hình càng khó khăn hơn, cũng có vài khách hỏi thăm dò nhưng thực sự là không có giao dịch thành công.
Cơn sốt giá nhà đất ở Trung tâm TP Thủ Đức đã đứng lại sau khi dịch Covid-19 bùng phát. |
“Biến động dễ thấy nhất của phân khúc BĐS giá trị lớn đó là người nắm giữ BĐS đã thực tế hơn rất nhiều, khác với trước đây người bán neo giá cao, bán được thì bán, không bán được thì tiếp tục chờ thời. Người cần bán BĐS trong thời điểm hiện nay, phần nhiều là do áp lực phải trả nợ ngân hàng. Hiện tại, những người cần bán chào giá giảm rất sâu 25-30% so với lúc cao điểm cách đây một năm. Bên tôi, có một BĐS mặt tiền đường 3/2, lúc trước chủ ra giá hơn 330 triệu/m2 nhưng hiện tại chủ đang chào giá mới là 240 triệu/m2. Do BĐS này khá lớn, giá hơn 2 triệu USD nên chào khá lâu rồi nhưng chưa có khách hàng nào thực sự muốn mua” - anh Nguyễn Phú Cường cho biết.
Cũng theo anh Nguyễn Phú Cường, trước đại dịch Covid-19, giá nhà đất khu vực các quận trung tâm đã có nhiều năm tăng giá liên tục, mặt bằng giá được thiết lập cuối năm 2020. Với những BĐS có vị trí mặt tiền, có thể phục vụ cho mục đích làm thương mại, dịch vụ, giá lên đến 400 - 600 triệu đồng/m2. Trong đại dịch Covid -19, ngành dịch vụ, thương mại bị đứt gãy trầm trọng, kéo theo là BĐS. Phải mất rất lâu, ngành thương mại và dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch và lữ hành mới có thể hồi phục, BĐS gắn với mục đích sử dụng làm thương mại, dịch vụ, du lịch, không thể nằm ngoài sự tác động chung.
Bên mua đang có lợi thế
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng, sau 2 năm chống chịu với đại dịch Covid-19, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư vào BĐS trước khi dịch bùng phát, đang gặp khó khăn thực sự. Đặc biệt, những người đầu tư vào BĐS du lịch như khách sạn lưu trú… thực sự bế tắc về dòng tiền, trong khi vẫn phải gồng gánh chi trả lãi vay và vốn vay hàng tháng…
Cũng theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, khi thị trường gặp khó khăn về thanh khoản, tài sản dù giảm giá cũng rất khó bán. Bản thân các ngân hàng biết rõ điều đó nên họ sẽ ưu tiên làm việc với người đi vay, để tìm cách bán tài sản trên thị trường ở mức giá tốt nhất, cách làm này hiệu quả hơn là thực hiện các biện pháp thu hồi nợ quyết liệt rồi sau đó thanh lý tài sản thế chấp.
“Trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, sẽ không diễn ra tình trạng bán tháo cắt lỗ như nhiều người lo ngại. Tuy nhiên, đà bán có thể tăng và người bán sẽ chấp nhận giảm giá 20-30% khi thương lượng giao dịch” - ông Đinh Thế Hiển nhận định.
Khi được yêu cầu đưa ra một lời khuyên cho cả 2 bên, bên có ý định đầu tư vào BĐS trong thời điểm hiện tại và bên bán, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ về khả năng tài chính của mình để ra quyết định phù hợp. Những người đang có nguồn hàng BĐS nhưng thật sự gặp khó khăn nên chấp nhận bán bớt các BĐS còn thanh khoản và giá ít bị ảnh hưởng nhất, để cấu trúc lại khoản nợ. Ngược lại, những người đã có ý định đầu tư vào BĐS nên cân nhắc xuống tiền khi giá của nó đã điều chỉnh 5-10% và đánh giá không dễ mua được nếu bỏ qua cơ hội lần này.