Bất động sản: Hết thời doanh nghiệp yếu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Tống Văn Nga khẳng định chưa có chuyện DN BĐS phá sản, nhưng không thể phủ nhận nhiều DN đã đứng trước “cửa tử”.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định: Không có chuyện nới lỏng kiểm soát tín dụng với BĐS. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, kể cả bây giờ ngân hàng cho vay với lãi suất thấp, nhiều DN vẫn khó trụ vững được.
 
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng DN kinh doanh BĐS hàng năm tăng 20 - 50%. Đáng chú ý, phần lớn trong đó là các DN có quy mô vốn nhỏ (10 - 50 tỷ đồng), chiếm 28%, gấp 11 lần các DN quy mô 500 tỷ đồng trở lên. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thì thông thường để triển khai một dự án BĐS có quy mô vừa phải, vốn đầu tư cũng lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhưng theo quy định vốn pháp định 6 tỷ đồng được thành lập Cty BĐS đã khiến DN BĐS mọc lên như nấm dẫn đến hiện tượng phổ biến là “tay không bắt giặc” làm nhiễu loạn thị trường.
Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự manh mún, thiếu ổn định của thị trường BĐS thời gian qua. Một thí dụ điển hình là trong tổng số hơn 750 dự án BĐS ở phía tây Hà Nội phải đình lại để chờ quy hoạch, có rất nhiều dự án được cấp cho các chủ đầu tư không đủ năng lực, không đủ vốn để triển khai.
 
Do không có tiềm lực, khi các kênh huy động vốn bị “thắt” lại, các DN này đứng trước nguy cơ phá sản, tạo hiệu ứng đổ bể hàng loạt cho thị trường. Điều này đã được chứng minh thông qua thực trạng "chết ngang" của hàng loạt dự án, bán tháo, giảm giá căn hộ, đất nền của chủ đầu tư.
Hơn bao giờ hết thị trường BĐS đang đón đợi sự xuất hiện của những “anh cả” đủ tiềm lực, đủ uy tín làm định hướng, dẫn dắt thị trường phát triển minh bạch và lành mạnh, đi đúng quỹ đạo theo quy luật của kinh tế thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần