Bất động sản huyện Mê Linh (Hà Nội): Có khả năng môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch “làm nóng” thị trường

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thị trường bất động sản (BĐS) huyện Mê Linh (Hà Nội) đang có dấu hiệu “ấm” trở lại khi thông tin quy hoạch Mê Linh lên thành phố tràn lan trên mạng xã hội. Theo đánh giá, đây là cơ hội tốt để thị trường BĐS khu vực này trở lại sau thời gian dài “đóng băng”, tuy nhiên cũng cần phải thận trọng vì rất có thể môi giới lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá.

Thị trường dần “ấm” lại
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội, rộ lên thông tin UBND TP Hà Nội đã trình HĐND TP phê duyệt quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, trong kế hoạch 5 năm tới sẽ xây dựng vùng Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố. Ngay sau khi có thông tin này, hoạt động buôn – bán BĐS khu vực huyện Mê Linh vốn bị “đóng băng” nhiều năm qua bỗng dưng sôi động trở lại ở nhiều địa điểm. “Sau khi có thông tin huyện Mê Linh đang được đề xuất quy hoạch, xây dựng lên thành phố, lượng người đến địa bàn xã hỏi mua đất bắt đầu tập nập trở lại” – Chủ tịch UBND xã Tiền Phong (Mê Linh) Trần Văn Trung thông tin.
Khảo sát thực của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đất nền trong khu dân cư một số xã của huyện Mê Linh, như: Tiền Phong, Mê Linh, Đại Thịnh... đang được rao bán tương đối cao, bình quân từ 23 – 25 triệu đồng/m2, một số vị trí 30 – 32 triệu đồng/m2. Tương tự, đất nền dự án, như: Cienco 5, Diamond Park, Mê Linh New City, Mê Linh Vista... cũng rao với mức 20 – 25 triệu đồng/m2.
Đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết, giá BĐS trên thị trường hiện nay được rao bán cao hơn nhiều so với mức xác định đấu giá của huyện. Cụ thể, từ đầu năm 2021 đến nay huyện đã tổ chức nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất, khởi điểm từ 9 - 16 triệu đồng/m2, như: Khu đất X5, thôn Ngự Tiền xã Thanh Lâm, khởi điểm 10 triệu/m2; Khu đất X5, X6, tổ dân phố số 9, thị trấn Quang Minh khởi điểm từ 10 - 16 triệu/m2 tuỳ từng vị trí; Hay khu đất X5 thôn Ngự Tiền, xã Thanh Lâm, giá khởi điểm 9 - 10 triệu đồng/m2.
Nhà đầu tư cần cẩn trọng với tin đồn "sốt" đất tại huyện Mê Linh.
Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng huyện Mê Linh vẫn đẩy nhanh công tác đấu giá quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng phục vụ đầu tư nhiều dự án hạ tầng. Cụ thể, giải phóng mặt bằng 44 dự án, tổng diện tích thực hiện 77,4ha, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án: Đường nối thị trấn Chi Đông - Võ Văn Kiệt, các khu đô thị: Vinalines, An Thịnh, CEO… Ngoài ra, huyện cũng phê duyệt chủ trương đầu tư 9 dự án để tổ chức triển khai, 18 dự án đang lập chủ trương đầu tư để phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025... những yếu tố này đã giúp hoạt động giao dịch BĐS tại địa bàn trở nên sôi động hơn.
“Với vị trí địa lý và giao thông hưởng lợi từ các tuyến đường như Nhật Tân – Nội Bài, Vành đai 3, Vành đai 4… Mê Linh là khu vực rất nhiều tiềm năng để thu hút nhà đầu tư. Nếu kế hoạch đầu tư hạ tầng như hiện nay nhanh chóng được triển khai thực hiện, dự báo thời gian tới thị trường BĐS khu vực này sẽ khá sôi động” – Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhìn nhận.
Cẩn trọng chiêu thổi giá
Với thông tin huyện Mê Linh được quy hoạch lên thành phố, nhiều khu vực giá đất đang bị môi giới thổi lên cao hơn bình thực tế từ 40 – 60%, một số vị trí tăng gần gấp 2 lần. Về vấn đề này, thông tin với phóng viên Kinh tế & Đô thị đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện khẳng định, gần đây giao dịch đất đai trên địa bàn huyện chủ yếu là đấu giá, hồ sơ chuyển nhượng rất ít. Việc tăng giá như trên không thực tế và không loại trừ khả năng môi giới đã lợi dụng thông tin quy hoạch để “làm nóng” thị trường, vì vậy người dân, nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng với thông tin sốt đất ảo.
Theo đánh giá, việc phát triển hạ tầng tại Mê Linh, ngoài trục đường cầu Thăng Long, các tuyến đường khớp nối với trục hướng tâm vẫn nằm trong quy hoạch. Bên cạnh đó, theo quy hoạch, huyện Mê Linh được kết nối trực tiếp với Hà Nội qua  cầu Hồng Hà (đường Vành đai 4), cầu Thượng Cát (đường Vành đai 3,5) nhưng vừa qua Hà Hội đã thông báo dừng triển khai 82 dự án BT, trong đó có 2 dự án BT này, khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc trong việc đầu tư nơi đây. Vì vậy, thời điểm hiện tại khó xảy ra trường hợp tăng giá BĐS đột biến.
“Đánh giá một cách tổng thể, không chỉ riêng hệ thống hạ thầng kỹ thuật chưa được hoàn thiện. Hầu hết các dự án BĐS huyện Mê Linh chưa có kết cấu hạ tầng khung kết nối với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực, trong ngắn hạn BĐS nơi đây chưa thể sinh lời và khả năng thu hồi vốn cũng sẽ tương đối lâu nếu đầu tư” - Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhận định.
Trước những thông tin thị trường BĐS nhiều biến động, UBND huyện Mê Linh đã có văn yêu cầu các đơn vị chuyên môn, UBND xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường BĐS trên địa bàn. Phòng Quản lý đô thị huyện được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với đơn vị liên quan thực hiện công bố công khai thông tin quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển hạ tầng… nhằm minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Các chuyên gia cho rằng, việc giá BĐS tăng ở giai đoạn bắt đầu kế hoạch, quy hoạch đúng theo quy luật, nhưng tăng từ 5 - 7% thì hợp lý còn nếu tăng quá nhiều là bất bình thường. Đồng thời, tăng giá BĐS phải tỷ lệ thuận với tăng đầu tư thực sự để tạo ra giá trị về hạ tầng, đời sống, dịch vụ cho những vùng được kết nối và đầu tư đến đâu thì giá trị tăng đến đó.

“Sau 2 tháng Hà Nội giãn cách, nhà đầu tư, giới “cò” đất Hà Nội đã cảm thấy "cuồng chân", vì thế nhiều khu vực vùng ven ngay sau hết giãn cách nhà đầu tư đổ bộ về cập nhật thị trường. Trong bối cảnh Hà Nội quy hoạch Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh lên thành phố sẽ đẩy 3 thị trường này tiếp tục là "điểm nóng". Riêng huyện Mê Linh đang có sự tăng trưởng từ mức thấp nên sự quan tâm dồn về khu vực này cũng là điều dễ hiểu” – Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, Nguyễn Văn Đính.