70 năm giải phóng Thủ đô

Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là tương lai của thị trường?

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng lượng khách du lịch quốc tế cao nhất toàn cầu, cùng với đó là sự gia tăng số lượng các thương hiệu bất động sản (BĐS) mới cũng như các dự án tương lai.

Phân khúc BĐS nghỉ dưỡng được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những đóng góp lớn và là tương lai phát triển của nền kinh tế, mang đến nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Tín hiệu khả quan

Số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch (Bộ VHTT&DL), năm 2018 lượng khách du lịch cả nước đạt khoảng 95,6 triệu lượt, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 15,6 triệu lượt, tăng 2,7 triệu lượt so với năm 2017. Khách du lịch quốc tế tập trung đông ở các tỉnh, TP như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa...

Dự kiến trong năm 2019, Việt Nam sẽ đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, chỉ tính riêng trong quý I/2019, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 4,5 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018.

BĐS nghỉ dưỡng nhiều tiềm năng nhưng cũng cần cẩn trọng với những rủi ro của thị trường.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Ngọc - Chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), lượng khách du lịch tăng sẽ có tác động tích cực đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng. Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư bắt đầu hoạch định chiến lượng phát triển các dự án thuộc phân khúc trung cấp quốc tế và mô hình khách sạn du lịch chọn lọc, cũng như chú trọng nhiều hơn đến phong cách thiết kế và trải nghiệm của khách hàng.

Trong năm 2018, có 75 dự án khách sạn và resort thuộc phân khúc 4 - 5 sao được đưa vào hoạt động tại 6 điểm đến ven biển chính của Việt Nam, cung cấp hơn 15.900 phòng cho thị trường, chiếm đến 24% tổng nguồn cung hiện tại. Trong giai đoạn từ 2019 - 2022 ước tính sẽ có thêm 45.600 phòng được đưa vào hoạt động và sẽ mang đến áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các dự án tiêu chuẩn truyền thống.

Theo dự báo, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục tập trung vào các dòng sản phẩm, như: Shophouse, condotel, biệt thự nghỉ dưỡng... trong đó, shophouse là dòng sản phẩm được đánh giá cao nhất, được các chủ đầu tư xây dựng trong các quần thể du lịch, sản phẩm đang dạng về công năng sử dụng, mang lại nguồn lợi nhuận cao do vừa kết hợp để ở và kinh doanh. Vì trên thực tế, dòng sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, kết hợp với dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm... được đánh giá vấn là “khoảng trống” trong khai thác các dịch vụ du lịch tại Việt Nam.

Thận trọng với những rủi ro

Giám đốc bộ phận Savills Hotel châu Á - Thái Bình Dương Mauro Gasparotti cho biết, thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng về giá của tất cả các dòng sản phẩm, bao gồm cả các dự án khách sạn và resort, trong đó tình hình hoạt động của các khách sạn tại các thành phố lớn được ghi nhận ở mức khá ấn tượng.

“Tuy nhiên, thị trường có thể sẽ đối mặt với một số rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động trong vài năm tới như số lượng lớn nguồn cung tương lai tại các địa điểm du lịch ven biển, sự tăng trưởng nhanh chóng của các hình thức lưu trú mới như Airbnb, dự báo sụt giảm lượng khách du lịch toàn cầu trong năm nay” - ông Mauro Gasparotti cho hay.

Cũng trong năm 2018, các sản phẩm truyền thống như khách sạn và resort tại các địa điểm du lịch ven biển ghi nhận sự giảm nhẹ về công suất bình trung năm so với năm 2017, nguyên do là trong năm có thêm nhiều dự án mới đi vào hoạt động. Trong đó, hệ thống những khách sạn cao cấp do đã định vị tốt được thương hiệu, phong cách thiết kế, có tiện ích và dịch vụ độc đáo... nên có tỷ lệ lấp đầy buồng, phòng cao hơn và giá phòng cũng tốt hơn so với những sản phẩm tiêu chuẩn khác. Theo đánh giá, dòng sản phẩm này cũng sẽ ít bị ảnh hưởng trong tương lai, mặc dù sẽ có thêm nhiều dự án thông thường đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, các dự án quy mô lớn hướng đến đối tượng khách đoàn hay khách có nguồn tài chính thấp tại các thị trường ven biển như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc có thể gặp phải áp lực cạnh tranh lớn trong những năm tới. Nguyên nhân vì bị ảnh hưởng bởi lượng nguồn cung lớn ở cả phân khúc khách sạn, resort và condotel sắp đi vào hoạt động, khiến cho công suất bị ảnh hưởng và giá phòng phải điều chỉnh ở mức cạnh tranh hơn.

Riêng tại 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với số lượng nguồn cung tương lai tương đối hạn chế, sẽ mang đến cơ hội phát triển trên tất cả các phân khúc.